Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Vùng đồng bào DTTS và miền núi với mục tiêu tăng trưởng toàn diện: “Gia cố” các trụ cột an sinh (Bài cuối)

Sỹ Hào - 15:02, 02/11/2022

Bảo vệ sự an toàn xã hội, là một trong những chỉ tiêu để đánh giá mục tiêu tăng trưởng toàn diện. Việc triển khai các chính sách an sinh xã hội bao trùm, với nguồn lực thực hiện chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, đã giúp người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở vùng DTTS và miền núi vượt qua những rủi ro đột xuất trong cuộc sống.

Sự tăng trưởng toàn diện, hướng tới tăng trưởng bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi góp phần nước hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. (Trong ảnh: Một góc Bản Văn, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)
Sự tăng trưởng toàn diện, hướng tới tăng trưởng bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. (Trong ảnh: Một góc Bản Văn, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)

Mở rộng độ bao phủ BHYT

An sinh xã hội là vấn đề quan trọng ảnh hưởng toàn diện đến đời sống của đồng bào các DTTS, cũng như sự ổn định, phát triển xã hội. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn coi giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, coi việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội là mục tiêu, động lực để phát triển đất nước.

Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960), Đảng ta đã xác định “Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của Nhân dân lao động, làm cho Nhân dân ta được ăn no mặc ấm, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập, mở mang sự nghiệp phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị”. 

Trong thập niên gần đây, mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được triển khai theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 (sau năm 2020 tiếp tục được triển khai theo Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị khóa XII).

Triển khai Nghị quyết, hệ thống chính xã hội tiếp tục được hoàn thiện. Sau 10 năm thực hiện (2012 – 2022) Nghị quyết 15-NQ/TW, các nhóm yếu thế, gia đình chính sách đã được chăm lo toàn diện hơn cả về vật chất và tinh thần; đời sống ngày được cải thiện, nâng cao, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và sự ổn định chính trị, xã hội.

Chính sách BHYT góp phần bảo đảm an sinh cho đồng bào DTTS, nhất là khi xảy ra những biến cố trong cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Chính sách BHYT góp phần bảo đảm an sinh cho đồng bào DTTS, nhất là khi xảy ra những biến cố trong cuộc sống. (Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW được tổ chức ngày 16/9/2022, bà Ingrid Christensen, Giám đốc quốc gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng, việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội. “Trong đó, việc sửa đổi các Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Luật Bảo hiểm y tế (2014) đã đưa hệ thống an sinh xã hội Việt Nam đến gần với các nguyên tắc và ý tưởng của Nghị quyết số 15-NQ-TW”, bà Ingrid Christensen khẳng định.

Một trong những kết quả rõ nhất trong thực hiện Nghị quyết số 15-NQ-TW, là mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT). Tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về chính sách BHYT được tổ chức ngày 8/7/2022, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thông tin, nếu như năm 2009, độ bao phủ BHYT mới đạt 57% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số, với 88,837 triệu người tham gia. Tham gia BHYT đã góp phần bảo vệ người dân trước các biến cố; nhất là năm 2020-2021, quỹ BHYT đã cùng ngân sách Nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19.

Cùng với ngân sách Nhà nước, các đơn vị, tổ chức cũng đã hỗ trợ đồng bào DTTS tham gia BHYT. (Trong ảnh: đại diện BHXH tỉnh Lai Châu trao sổ BHXH và thẻ BHYT cho các hộ dân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Mường Tè - Ảnh: TTXVN)
Cùng với ngân sách Nhà nước, các đơn vị, tổ chức cũng đã hỗ trợ đồng bào DTTS tham gia BHYT. (Trong ảnh: đại diện BHXH tỉnh Lai Châu trao sổ BHXH và thẻ BHYT cho các hộ dân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Mường Tè - Ảnh: TTXVN)

“Điều đó tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia”, ông Đào Việt Ánh nói.

Đặc biệt, tỷ lệ tham gia BHYT ở vùng đồng bào DTTS tăng mạnh qua từng năm, hiện cao hơn bình quân chung cả nước. Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, năm 1998 toàn vùng mới có 8% dân số tham gia BHYT thì đến năm 2013 đã tăng lên 80%; năm 2018 tăng lên 93,51%;…Độ bao phủ BHYT ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cao hơn bình quân chung cả nước là nhờ chính sách hỗ trợ người dân ở địa bàn đặc biệt khó khăn mua BHYT từ ngân sách Nhà nước, được triển khai hàng chục năm nay.

An sinh bao trùm

Ở góc độ địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, nhiều mô hình đã được duy trì, có tác động, làm tăng hiệu quả góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Điển hình như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, mái ấm công đoàn, cuộc vận động “Vì người nghèo” đã có sức lan tỏa sâu rộng vào đời sống nhân dân, được sự đồng thuận tham gia của toàn xã hội. Các chương trình đã huy động được nguồn lực to lớn để chăm lo cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn như: hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...

“Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là phép thử lớn về chính sách xã hội, qua đó đánh giá được tính bền vững của từng chính sách cụ thể. Do đó, chính sách xã hội phải sát với thực tiễn và có cách tiếp cận mới”.
Ông Phạm Văn Linh
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tại Hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW được tổ chức ngày 16/9/2022, ông Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, việc thực hiện chính sách xã hội đảm bảo tính kiên trì, bền vững và “lấy con người làm trung tâm trong tất cả chính sách”. Mặt khác, chính sách xã hội không thể ngắt quãng mà phải có tính kế thừa và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trong hệ thống chính sách xã hội đã và đang triển khai, bên cạnh chính sách BHYT thì chính sách trợ giúp xã hội cũng là một trụ cột để giúp người dân chống chọi với các “cú sốc” trong đời sống. Chính sách này được triển khai từ hàng chục năm nay. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), hết năm 2021, cả nước có 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) được trợ cấp xã hội (TCXH) thường xuyên.

Mức trợ cấp hàng tháng và đối tượng trợ cấp được điều chỉnh theo hướng nâng lên và mở rộng diện thụ hưởng chính sách; trong đó chú trọng nhóm đối tượng người cao tuổi ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2002 đến năm 207, người 90 tuổi trở lên, không có lương hưu mới được hưởng TCXH hằng tháng (theo Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002); từ năm 2007 đến năm 2011 hạ độ tuổi xuống còn 85 tuổi (theo Nghị định số 67/2007/NDD-CP ngày 13/4/2007); từ 2011 đến nay thì người 80 tuổi trở lên, không có lương hưu thì được hưởng TCXH của Nhà nước, theo Nghị định số 06/2011/NDD-CP của Chính phủ.

Miền núi thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai, vì thế chính sách xã hội là trụ cột để hỗ trợ người dân ổn định sau mỗi lần xảy ra sự cố. (Trong ảnh: Lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho người dân bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An ngày 2/10/2022)
Miền núi thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai, vì thế chính sách xã hội là trụ cột để hỗ trợ người dân ổn định sau mỗi lần xảy ra sự cố. (Trong ảnh: Lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho người dân bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An ngày 2/10/2022)

Đặc biệt, ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2020/NĐ-CP quy định chính sách TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó đã mở rộng thêm đối tượng được hưởng TCXH hằng tháng là người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại các địa bàn xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn. Việc mở rộng đối tượng hưởng TCXH đối với người cao tuổi là một cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh cả nước đang tập trung nguồn lực để phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid – 19 đã cơ bản được khống chế.

Có thể khẳng định, với hệ thống chính sách xã hội đươc triển khai đồng bộ trong thời gian qua, đã góp phần bổ trợ công tác giảm nghèo của cả nước nói chung, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng tiệm cận được tiêu chí bền vững. Các chính sách an sinh đã “gia cố” thêm hiệu quả trong thực thi các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; bảo đảm cho địa bàn này sự tăng trưởng toàn diện.

Đây là nền tảng quan trọng để  thực hiện các chính sách trong giai đoạn 2021 2030, với trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững; cùng với cả nước hiện thực hóa khát vọng, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.