Giảm nghèo sâu ở tiêu chí thu nhập
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ bao gồm, 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc (LHQ), trong đó có Việt Nam, nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015, được cam kết Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6 – 8/9/2000. Các mục tiêu và những chỉ tiêu được lượng hóa kèm theo trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ đã được Đại Hội đồng LHQ bổ sung trong phiên họp lần thứ 62, tháng 10/2007.
Một trong những chỉ tiêu của Mục tiêu 1 (Triệt để loại trừ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu ăn), là các quốc gia thành viên LHQ cam kết, đến năm 2015 giảm một nửa tỷ lệ người có thu nhập dưới 1 USD/ngày, tương đương 14,157 nghìn đồng tại thời điểm năm 2000 - theo tỷ giá của Qũy Tiền tệ quốc tế. Vị chi, với một hộ có thành viên thu nhập dưới 424 nghìn đồng/người/tháng được xem lâm vào tình trạng nghèo cùng cực trong khung chuẩn nghèo quốc tế.
Trong những năm đầu tham gia cam kết Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, nếu xét theo chuẩn nghèo này thì đại đa số gia đình Việt Nam đều thuộc hộ nghèo. Tại thời điểm năm 2002, theo kết quả Điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu nhập bình quân ở nông thôn nước ta là 275,1 nghìn đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 622,1 nghìn đồng/người/tháng.
Thu nhập bình quân đầu người đặc biệt thấp ở các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong đó, khu vực Đông Bắc thu nhập bình quân chỉ đạt 268,8 nghìn đồng/người/tháng; Tây Nguyên là 244 nghìn đồng/người/tháng; Tây Bắc là 197 nghìn đồng/người/tháng…
Kể từ khi có Nghị quyết 24-NQ/TW của Nghị quyết 24/NQ-TW năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, cùng với các chương trình giảm nghèo chung cả nước, một hệ thống chính sách giảm nghèo bao trùm được ban hành, triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, thu nhập của các dịa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống đã được nâng lên rõ rệt, vượt chuẩn nghèo cùng cực được đưa ra tại Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm năm 2014, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của cả nước đã tăng gấp 7,4 lần so với năm 2002, đạt 2,041,4 triệu đồng/người/tháng. Ở những tỉnh kém phát triển nhất, cũng đã có cải thiện về thu nhập bình quân; trong đó tỉnh Lai Châu đạt 987 nghìn đồng/người/tháng, tương đương khoảng 1,5 USD/ngày (theo tỷ giá USD/VND năm 2014); tỉnh Hòa Bình đạt 1,597 triệu đồng/người/tháng, tương đương 72 USD/ngày; tỉnh nghèo nhất khu vực Tây Nguyên là Kom Tum, thu nhập bình quân đạt 2,4 USD/ngày…
Trong giai đoạn 2011-2020, thực hiện Nghị định 05/NĐ-CP và Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật,… đã được triển khai đồng bộ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người ở địa bàn này tiếp tục tăng trưởng mạnh.
“Kết quả thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để Ủy ban Dân tộc đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020.
Cụ thể, Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 theo Quyết định số 449/QDD-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra 20 chỉ tiêu. Tính đến năm 2020, theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc, việc thực hiện Chiến lược đã đạt và vượt 10 chỉ tiêu; trong đó chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt 4,3%/năm (mục tiêu đề ra là 4%); thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn DTTS tăng gấp 5 lần so với năm 2010 (mục tiêu đề ra là gấp 4 lần).
Giữ an toàn hệ số GiNi
Mặc dù đã có những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo nhưng thực tế, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS vẫn chiếm phần lớn tổng số hộ nghèo cả nước. Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc, đến hết năm 2020, hộ nghèo là người DTTS vẫn chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người có tăng lên nhưng vẫn chỉ mới bằng 0,3 lần so với bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hiệu quả từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa nhóm dân cư giàu nhất và nhóm dân cư nghèo nhất (các tổ chức quốc tế và nhiều nước đã sử dụng hệ số GiNi để đo lường) của nước ta vẫn trong ngưỡng an toàn. Các chỉ số đo lường theo hệ số GiNi từ năm 1996 đến nay đều cho thấy, sự phân bố thu nhập trong dân cư của nước ta, dù có tăng nhưng vẫn ở mức tương đối bình đẳng.
Cụ thể, với việc sử dụng hệ số GiNi để đo lường (nhận giá trị từ 0 đến 1), nếu ghi nhận giá trị bằng 0 biểu thị sự bình đẳng tuyệt đối về thu nhập; nếu với giá trị bằng 1 là bất bình đẳng tuyệt đối; tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm dân cư tăng dần theo giá trị từ 0 đến 1. Theo Báo cáo Điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999 của Tổng cục Thống kê, hệ số GiNi tính chung cả nước từ 0,367 năm 1996 tăng lên 0,390 năm 1999. Như vậy sự bất bình đẳng về thu nhập đã tăng, nhưng không nhiều.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, sự bất bình đẳng về thu nhập ở khu vực thành thị diễn ra nhanh hơn nông thôn. Theo đó, năm 1996, hệ số GiNi của thành thị là 0,381, đến năm 1999 tăng lên 0,406; diễn biến gia tăng hệ số GiNi ở khu vực nông thôn là 0,330 năm 1996 lên 0,335 năm 1999.
“Theo ý kiến tự đánh giá về đời sống năm 1999 của hơn 2,5 vạn hộ điều tra ở 61 tỉnh, thành phố cho thấy, có 77,8% ý kiến trả lời khá hơn, 16,7% ý kiến trả lời vẫn giữ mức như trước và chỉ có 5,5% ý kiến trả lời kém hơn so với năm 1996. Điều đó khẳng định rằng, mặc dù năm qua chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng có đường lối đúng, có nhiều biện pháp chỉ đạo hiệu quả nên đời sống, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục phát triển và ổn định”, Báo cáo Điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999 của Tổng cục Thống kê nhận định.
Sự bình đẳng tương đối về thu nhập giữa các nhóm dân cư của nước ta được duy trì từ đó cho đến nay. Đặc biệt, giai đoạn 2016 – 2020, tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong các tầng lớp dân cư ngày càng giảm khi hệ số GINI giảm từ 0,431 năm 2016 xuống còn 0,373 năm 2020. Nhất là ở các vùng có đông đồng bào DTTS, sự bình đăng về thu nhập ngày càng khả quan hơn.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, năm 2016, hệ số GiNi ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc ghi nhận giá trị 0,43, đến năm 2020 là 0,4020. Tương tự, khu vực Tây Nguyên giảm từ 0,439 năm 2016 xuống còn 0,406 năm 2020. Giảm sâu nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ 0,405 xuống còn 0,372.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị tháng 5/2022, PGS, TS. Tường Duy Kiên, Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định, bất bình đẳng theo thước đo hệ số GiNi của nước ta tuy tăng, nhưng ở mức tương đối thấp trong khu vực Asean. Điều này cho thấy, công tác bảo đảm quyền con người trong hơn 35 năm đổi mới ở nước ta đã thu được nhiều thành tựu nổi bật.
Thành tựu này, đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, nhiệm kỳ 2023 – 2025 vào ngày 11/10 vừa qua. Đây là một trong ba trụ cột của LHQ, hai trụ cột còn lại là hòa bình và phát triển. Nhiệm kỳ 2023 – 2025, Hội đồng Nhân quyền có 47 thành viên, trong đó Việt Nam là một trong 14 thành viên mới đắc cử. Trước đó, năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Vị thế của Việt Nam trong thực hiện quyền con người ngày càng được khẳng định, xuất phát từ nỗ lực không ngừng nghỉ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng toàn diện, trong đó ưu tiên vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bởi không chỉ bảo đảm bình đẳng về thu nhập, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chính sách để bảo đảm bình đẳng cơ hội dịch vụ cơ bản (y tế và giáo dục).
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.