Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Vùng đồng bào DTTS và miền núi với mục tiêu tăng trưởng toàn diện: Tăng cường đáp ứng điều kiện sống cơ bản (Bài 6)

Sỹ Hào - 05:57, 02/11/2022

Bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế và bình đẳng, thì việc đảm bảo cho người dân nâng cao điều kiện sống cơ bản được coi là một trong những mục tiêu của tăng trưởng toàn diện. Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa nâng cao điều kiện sống cơ bản cho người dân.

Điện lưới được kéo về các bản làng vùng sâu, vùng xa, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống cho đồng bào DTTS.
Điện lưới được kéo về các bản làng vùng sâu, vùng xa, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống cho đồng bào DTTS.

“Thắp sáng” vùng đặc biệt khó khăn

Theo Báo cáo số 49/BC – CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ về Kết quả chỉ đạo, thực hiện xoá đói giảm nghèo qua Chương trình 135; việc quản lý, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2006 – 2010, tại thời điểm năm 2005, Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng các địa phương đã thực hiện một cuộc điều tra cơ bản trước khi triển khai Chương trình 135 giai đoạn II (2006 – 2010). Cuộc điều tra được tiến hành tại 3.274 thôn ĐBKK thuộc 1.140 xã khu vực II; 1.946 xã khu vực III, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc 354 huyện của 50 tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Kết quả điều tra cho thấy, cơ sở hạ tầng phục vụ các điều kiện sống cơ bản ở địa bàn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi rất yếu kém. Trong đó, đường giao thông đến thôn bản chỉ đạt 54,3%; số xã có điện lưới quốc gia dù đạt tỷ lệ 84,6%, nhưng tỷ lệ hộ được sử dụng điện chỉ có trên 60%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chỉ đạt 53,27%; tỷ lệ hộ dùng hố xí hợp vệ sinh chỉ đạt khoảng 55,2%;…

Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, cũng là một nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất của người dân ở địa bàn ĐBKK chủ yếu là tự cung tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Theo Báo cáo số 49/BC-CP, năm 2005, tỷ lệ nghèo tại các xã thuộc vùng DTTS và miền núi bình quân là 47% (chuẩn nghèo đơn chiều); tỷ lệ hộ nghèo thuộc các thôn bản bình quân là trên 80%.

Sau 17 năm, tính từ năm 2005 đến nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được thành tựu thần kỳ trong giảm nghèo. Tại Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” (Báo cáo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện – Pv) được tổ chức ngày 28/7/2022, ông Nguyễn Thắng – đại diện nhóm nghiên cứu Báo cáo, đã khẳng định, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo đa chiều trong đồng bào DTTS giảm rất mạnh; giảm từ 20% xuống còn 10%.

Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 88,5%.
Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 88,5%.

Không chỉ giảm nghèo ấn tượng, mà các điều kiện sống cơ bản của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng đã được nâng lên rõ rệt. Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, cho thấy, hiện 100% xã và 97,2% thôn, bản ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 93,9%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,5%; đến năm 2017, tỷ lệ hộ dùng hố xí hợp vệ sinh đã đạt 85,2%;…

“Kết quả đó đến từ việc huy động và lồng ghép mọi nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đặc thù, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã, thon bản ĐBKK, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Mặc dù, nguồn lực còn khó khăn, nhưng Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thực hiện. Trong đó, giai đoạn 2003 – 2008 khoảng 250 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 690 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 998 nghìn tỷ đồng”, Báo cáo số 732/BC-UBDT nêu.

Gia tăng điều kiện sống cơ bản

Các điều kiện sống cơ bản của người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được nâng lên đã góp phần gia tăng Chỉ số sức khỏe trong bộ Chỉ số phát triển con người của cả nước. Báo cáo Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, được Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNDP cho thấy, Chỉ số sức khỏe của Việt Nam tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,826 năm 2020; Đồng thời, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân Việt Nam tăng từ 73,4 năm 2016 tăng lên 73,7 năm 2020 (cao hơn mức bình quân khu vực Đông Nam Á là 73 tuổi, bình quân toàn thế giới là 72 tuổi – theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới).

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng các điều kiện sống cơ bản, đặc biệt là công trình điện, đường giao thông đã tạo cơ hội để nâng cao mức thụ hưởng văn hóa – thông tin của đồng bào DTTS, nhất là nhu cầu tiếp cận công nghệ trong xu thế hội nhập. Mức độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân tăng lên là tín hiệu đáng mừng trong tiến trình đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi tiệm cận với mức phát triển chung của cả nước.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Vùng đồng bào DTTS và miền núi dưới góc nhìn tăng trưởng toàn diện: Tăng cường đáp ứng điều kiện sống cơ bản (Bài 6) 2
Phụ nữ DTTS ngày càng tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ viễn thông, phục vụ nhu cầu thông tin và sản xuất kinh doanh

Theo Báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019” được Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) công bố tháng 8/2021, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người DTTS đã tăng lên đáng kể.

 Cụ thể, có tới 92,5% hộ gia đình DTTS có sử dụng điện thoại năm 2019 (cố định hoặc/và di động) tăng tới 17% so với năm 2015. Tỷ lệ hộ gia đình có trang bị máy tính cũng đã tăng lên đáng kể. Năm 2019, có 10,3% hộ gia đình DTTS sử dụng máy vi tính, tăng 2,6 % so với năm 2015.

Thực hiện hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại và cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet công ích đến với người dân, hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo,… đã góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động và nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào DTTS.
Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020.

Ở khía cạnh sử dụng dịch vụ Internet ghi nhận tỉ lệ người DTTS sử dụng dịch vụ này tăng rất cao. Theo Báo cáo, năm 2019 có 61,3% hộ gia đình DTTS có sử dụng internet (wifi, cáp hoặc 3G), tăng tới 54,8 % so với năm 2015 (6,5%). Có thể nói đây là bước phát triển rất mạnh trong tiếp cận thông tin ở vùng DTTS, đặc biệt chênh lệch giữa hộ gia đình DTTS do nam và nữ làm chủ hộ rất ít, chỉ 1,5% với tỉ lệ chủ hộ là nam sử dụng internet là 61,4% và 59,9% chủ hộ là nữ.

Để có được kết quả này, bên cạnh cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án đưa thông tin về cơ sở. Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 cho thấy, đến nay đã có trên 95% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi được phủ sóng phát thanh, truyền hình; mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp địa bàn miền núi; toàn vùng có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông;…

“Việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đề án đã tạo cơ hội tốt cho đồng bào tiếp cận với các dịch vụ bưu chính, viễn thông và internet, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình để phục vụ cho sản xuất và đời sống; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin liên lạc của người dân”, Báo cáo số 732/BC-UBDT khẳng định.

Có thể khẳng định, dù hiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn khoảng cách với các vùng khác, nhưng Việt Nam đã và đang thực hiện tốt nền tảng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân ở địa bàn này. Cùng với đó, hệ thống chính sách an sinh xã hội bào trùm được triển khai, với nguồn lực thực hiện chủ yếu từ ngân sách đã tạo ra lớp “áo giáp” bảo vệ xã hội dành cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình ĐBKK ở vùng DTTS và miền núi.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.