Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Vùng đồng bào DTTS ở Bình Thuận: Ấm no đang đến từng ngày

Hà Thanh Tú - 08:28, 11/10/2023

Bình Thuận đang tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 1: từ năm 2021-2025 (Chương trình 1719). Tinh thần khẩn trương không chỉ thể hiện ở các ban, ngành chức năng cấp tỉnh, huyện mà còn lan truyền mạnh mẽ đến các xã vùng sâu, vùng cao, là nơi cư trú của 34 DTTS trên địa bàn tỉnh.

Đồng bào thu hoạch bắp lai tại xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam)
Đồng bào thu hoạch bắp lai tại xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam)

Năng động

Kinh nghiệm của 2 năm trước cho UBND tỉnh Bình Thuận thấy rằng, yếu tố đồng bộ, tập trung cao, dễ dàng tạo nên sức mạnh tổng hợp. Vì vậy, vào đầu năm 2023, tỉnh Bình Thuận sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình 1719 của năm. Với tổng nguồn vốn 154.570 triệu đồng, gồm ngân sách Trung ương 143.253 triệu đồng, vốn đối ứng của tỉnh 11.317 triệu đồng được dành để triển khai Chương trình. Mục tiêu nhằm từng bước thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng cao, miền núi, biến những nơi này thành vùng sản xuất có năng suất cây trồng, vật nuôi cao, có sản phẩm đặc trưng, tạo nên nguồn thu lớn, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh Bình Thuận đã xác định tập trung vào đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS; khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi và ngành nghề; phát triển toàn diện giáo dục, y tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân; thực hiện bình đẳng giới; thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận với vai trò, nhiệm vụ được giao, từ giữa tháng 7 năm nay đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho hàng trăm cán bộ, công chức, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, ban điều hành các thôn, Người có uy tín trong cộng đồng… để họ hiểu rõ, hiểu sâu Chương trình MTQG và các dự án thành phần.

Trồng bắp lai ở Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam)
Trồng bắp lai ở Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam)

Ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thực hiện các dự án thành phần, vì mỗi dự án đều có những nội dung, đặc điểm riêng, cũng như qua đó khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, với Tiểu dự án 2, Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG nội dung là giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc đã mở 2 lớp tập huấn có nội dung trên cho cán bộ chủ chốt của địa phương, các tuyên truyền viên về dân số. Tại mỗi lớp, giảng viên đều dành thời gian phân tích, làm rõ thế nào là “tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, tác hại của tảo hôn với giống nòi cụ thể như thế nào? Cũng tại 2 lớp tập huấn, Ban Dân tộc lồng ghép, phổ biến những quy định pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết, qua đó nâng cao nhận thức cho đồng bào…

Còn khi triển khai thực hiện tiểu dự án 3 thuộc Dự án 10, nội dung là kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc phân công thành viên bám sát các huyện có đồng bào DTTS sinh sống như: Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Tuy Phong… để nắm kết quả thực hiện từng tháng, quý. Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2023, Bình Thuận đã tạo nên bức tranh tổng thể đầy màu sắc khi thực hiện Chương trình MTQG 1719. Nổi bật nhất là phát triển kinh tế nông- lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập người dân. Đây cũng là nội dung của tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 trong 10 dự án thành phần Chương trình 1719.

Lắng nghe…

Với nội dung nói trên, liên tục trong nhiều ngày, Trưởng ban Dân tộc Nguyễn Minh Tân cùng đại diện một số cơ quan thường xuyên bám sát cơ sở, đi về các xã: Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam); Phan Sơn, Phan Lâm (huyện Bắc Bình)… những nơi có đông đồng bào Raglai và Cơ Ho sinh sống để nắm bắt tâm tư nguyện vọng đồng bào. Tại các xã trên, Trưởng ban Dân tộc Nguyễn Minh Tân đã lắng nghe đồng bào chia sẻ về việc nhờ trồng bắp lai với diện tích lớn, thu nhập của bà con tăng khá.

Thu hoạch bắp lai ở xã Đông Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc)
Thu hoạch bắp lai ở xã Đông Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc)

Năm nay, ngay từ đầu vụ sản xuất, Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc tỉnh) cung ứng bắp giống, phân bón các loại và thuốc bảo vệ thực vật cho người dân là đồng bào DTTS. Ông Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi cho biết: “Đến thời điểm hiện nay đã có 1.170 hộ/2.211,6 ha ký hợp đồng. Để giúp đồng bào nắm được kỹ thuật, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị cung ứng giống, Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp các huyện tổ chức hơn 20 lớp tập huấn hướng dẫn tỉ mỉ về quy trình thâm canh bắp lai. Vụ bắp Hè Thu năm 2023, nhiều hộ đồng bào xã Mỹ Thạnh đã được cung ứng hơn 2,4 tấn giống, kịp thời xuống giống sau khi có những cơn mưa nặng hạt kéo dài vào đầu tháng 5. Tại Hàm Cần, đồng bào cũng nhận một lượng giống, vật tư trị giá 5,6 tỷ đồng.

Vụ Hè Thu năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, bắp lai phát triển tốt. Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã thu mua được trên 2.000 tấn bắp lai thương phẩm, dự kiến sản lượng thu mua vụ này sẽ đạt khoảng 7.500 - 8.000 tấn.

Những ngày này đến các địa phương vùng cao, miền núi của Bình Thuận, chúng ta đều bắt gặp màu xanh của sự no ấm trải dài, rộng khắp các vùng đồi. Thấp thoáng trong những biền bắp lai  là các cô gái đang dựng lều để vài ngày tới đây thu hoạch bắp sớm. Bình Thuận đang làm thay đổi vùng đồng bào DTTS khi thực hiện Chương trình MTQG 1719.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.