Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Không gian Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận

Lâm Tấn Bình - 20:19, 09/10/2023

Bình Thuận là nơi còn lưu dấu nhiều di tích đền, tháp Chăm trải qua nhiều niên đại, tiêu biểu như Tháp Po Sah Inâ, Tháp Po Dam, Đền thờ Po Nit, Po Klaong Mânai, Po Ramé, Po Patao At, Po Klaong Kasat… Đặc biệt là Bộ sưu tập kho báu Hoàng tộc vua chúa Champa thuộc các vương triều cuối cùng ở giai đoạn thế kỷ XVII được đặt tại nhà bà Nguyễn Thị Thềm là hậu duệ trực hệ dòng vua (bà đã mất năm 1995). Hàng năm tại các đền, tháp và kho báu này vẫn còn diễn ra nhiều nghi lễ tín ngưỡng dân gian.

Đồng bào Chăm thực hiện nghi thức rước sắc trong Lễ hội Katê năm 2022 tại Tháp Po Sah Inâ Phú Hài, TP. Phan Thiết
Đồng bào Chăm thực hiện nghi thức rước sắc trong Lễ hội Katê năm 2022 tại Tháp Po Sah Inâ Phú Hài, TP. Phan Thiết

Người Chăm ở Bình Thuận hiện đang lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể ẩn chứa nhiều nội dung rất phong phú và đặc sắc. Với gần 100 lễ hội diễn ra liên tục theo chu kỳ trong năm trên mọi mặt của đời sống sinh hoạt như: Lễ hội đạp lửa đầu năm (Rija nagar) Lễ hội Katê (mbeng Katé), Cambur, Ramưwan, Yuer yang, Palao sah, Puis Payak, các lễ nghi vòng đời người, các lễ nghi theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp… đã tác động tích cực vào đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng tâm linh của người Chăm, giúp cho mọi người vui tươi phấn khởi, hăng say lao động sản xuất. 

Đặc biệt nhất là lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn diễn ra rất tưng bừng, sôi động bởi yếu tố không gian lễ hội được lan tỏa rộng khắp từ đền, tháp cho đến các làng (palei), gắn với những giai điệu âm nhạc truyền thống hòa quyện với các điệu múa lễ thỉnh rước y trang dâng cúng thần linh để tưởng nhớ công đức của các vị tiền nhân và thể hiện ước mơ khát vọng của con người, cầu mong cho quốc thái dân an.

Nghi thức rước mâm trầu Lễ hội Katê tại Tháp Po Sah Inâ năm 2022
Nghi thức rước mâm trầu Lễ hội Katê tại Tháp Po Sah Inâ năm 2022

Lễ hội Katê của người Chăm thường diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch hàng năm (tương ứng vào tháng 10 Dương lịch) và cũng có thể dịch chuyển theo chu kỳ của năm nhuận. Theo quan niệm của người Chăm, Lễ hội Katê (mbeng Katé) hay còn gọi là Tết Cha là để tưởng nhớ công đức của các vị nam Thần (dương tính). Bên cạnh Tết Cha, người Chăm còn có Tết Mẹ là Lễ hội Cambur được diễn ra vào giữa tháng 9 Chăm lịch để tưởng nhớ công ơn của các nữ Thần, đặc biệt là Tổ mẫu Po Inâ Nâgar( Âm tính).

Đi đôi với việc tưởng nhớ đến cội nguồn, công đức của các vị tiền nhân, ý nghĩa trưng bày lễ vật cúng Katê tại mỗi gia đình tộc họ còn mang nội hàm thể hiện lòng chung thủy của người Mẹ và tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của người Cha lúc sinh thời theo chế độ mẫu hệ và cầu mong cho nhân sinh vật thịnh. Tục ngữ Chăm có câu: “Katé di bingun Cambur di kanem”, tạm dịch nghĩa: “ Tết Cha đầu thượng tuần trăng, Tết Mẹ luôn nhớ đến trăng hạ tuần”.

Rước bằng sắc Katê năm 2022 tại Đền thờ Po Nit gắn với chương trình hoạt động Lễ hội Katê năm 2023
Rước bằng sắc Katê năm 2022 tại Đền thờ Po Nit gắn với chương trình hoạt động Lễ hội Katê năm 2023

Lễ hội Katê năm 2023 ở Bình Thuận sẽ diễn ra nhiều điểm tổ chức nghi lễ rước sắc cùng ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch, nhằm 14/10/2023 dương lịch (thứ Bảy) như Di tích tháp Po Sah Inâ ở Phú Hài – Phan Thiết, Đền Thờ Po Nit ở thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, Kho mở Báu vật Hoàng tộc Chăm Po Klaong Mânai ở làng Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình và Đền thờ Po Inâ Nâgar ở thôn Lạc Trị xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.

Riêng 2 điểm Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia là Đền thờ Po Nit và Tháp Po Sah Inâ, về quy mô phần hội năm nay được nâng lên nhiều nội dung và phạm vi mở rộng so với năm 2022. Các nội dung đưa vào thi nâng cao tay nghề nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như loại hình thi nắn bánh gừng, thi làm gốm dân dụng và gốm mỹ nghệ gắn với trình diễn, thi làm Thong Hala (mâm trầu 3 tầng), ẩm thực đặc trưng… (kèm theo Chương trình Lễ hội Katê năm 2023 của 2 di tích) chắc chắn sẽ thu hút nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui hội.

Các em học sinh Chăm tham gia thi nắn bánh gừng trong dịp Lễ hội Katê năm 2022 tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tỉnh Bình Thuận
Các em học sinh Chăm tham gia thi nắn bánh gừng trong dịp Lễ hội Katê năm 2022 tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tỉnh Bình Thuận

Đối với không gian Lễ hội Katê ở Bình Thuận theo tục truyền từ xưa đến nay vẫn còn lưu giữ, sau nghi lễ nghinh thỉnh rước sắc và cúng tế thần linh trên đền tháp đúng vào ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch, do trách nhiệm của mỗi làng Chăm được phân công thờ tự gắn với lịch sử của nó. Qua ngày hôm sau theo tuần tự rồi đến các làng palei, các nhà cả sư và gia đình tộc họ mới được phép cúng Katê (thường rơi vào ngày thứ Ba, thứ Tư, thứ Bảy, chủ Nhật, nhưng phải tránh ngày đại kỵ) và kéo dài thời gian cho đến ngày Rằm cùng tháng thì Đền thờ Po Dam ở Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc làm lễ cung thỉnh và cúng tế là điểm cuối cùng kết thúc Lễ hội Katê hàng năm của người Chăm ở Bình Thuận.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.