Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bào Chăm Ninh Thuận: Đón Katê trong niềm vui mới

PV - 08:26, 04/10/2018

Các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang nô nức chuẩn bị đón mừng Lễ hội Ka tê 2018 chính thức diễn ra tại đền tháp vào ngày 9/10 sắp tới (nhằm ngày 1/7 Chăm lịch). Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, tưởng nhớ công ơn tổ tiên và cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, đời sống thịnh vượng. Lễ hội Ka tê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017.

Lễ hội Katê Trường phổ thông ở làng Chăm Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang.

Đến với làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) vào những ngày cuối tháng 9 năm nay, chúng tôi gặp người dân địa phương nô nức chuẩn bị mừng đón Lễ hội Katê 2018. Anh Sầm Văn Tim, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Bỉnh Nghĩa cho biết: “Vụ lúa Hè-Thu được mùa, giá cả ổn định giúp nông dân có thu nhập, sửa sang nhà ở khang trang, mua sắm vật phẩm cúng kính tổ tiên. Chi hội Phụ nữ đang luyện tập chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục ca múa truyền thống tạo không khí vui tươi cho mùa lễ hội quan trọng hàng năm của đồng bào Chăm. Ban Quản lý thôn phối hợp với Ban Phong tục tổ chức cho bà con vui đón Katê trong tinh thần đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm, an toàn”.

Trao đổi với anh Tim, được biết toàn thôn Bỉnh Nghĩa hiện có 749 hộ với trên 3.700 người dân tộc Chăm. Đời sống của người dân địa phương dựa vào nguồn thu nhập 262ha ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh và Sông Trâu. Bà con áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” canh tác lúa đạt năng suất bình quân 65-70 tạ/ha/vụ. Nông dân địa phương chăn nuôi 2.600 con bò và 1.600 con cừu theo mô hình bán thâm canh. Nhờ chăn nuôi gia súc kết hợp thâm canh lúa đạt năng suất cao đã giúp cho nhiều nông hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Các nông hộ Châu Quầy, Thành Lênh, Sầm Thị Biểu, Lượng Thị Nụ… nêu gương điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân, phụ nữ đoàn kết thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước giúp Bỉnh Nghĩa thi công hoàn thành 3.000m đường nội thôn và 1.000m giao thông nội đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại vận chuyển nông sản của nông dân. Toàn thôn có trên 90% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; khu dân cư Bỉnh Nghĩa đạt danh hiệu thôn văn hóa 4 năm liên tục từ 2014-2017. Ban Công tác Mặt trận thôn Bỉnh Nghĩa đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tích cực góp phần xây dựng xã Bắc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.

Lễ hội Katê Công nhân thi công công trình thắp sáng đường quê thôn Hiếu Lễ, hoàn thành vào dịp Lễ hội Katê 2018.

Còn tại làng Chăm Hiếu Lễ thuộc xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, bà con nông dân đang tập trung ra đồng chăm sóc cây lúa vụ mùa 2018 vừa xuống giống với diện tích 210ha. Đây là khu dân cư tiêu biểu tích cực góp phần xây dựng xã Phước Hậu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, tạo nên diện mạo nông thôn mới vùng đồng bào Chăm phát triển hiện đại. Thôn Hiếu Lễ hiện có 678 hộ với 3.715 nhân khẩu sinh sống tập trung ở 4 vùng dân cư, đồng bào dân tộc Chăm chiếm 90% dân số. Đời sống người dân bảo đảm no ấm từ nguồn thu nhập canh tác lúa, canh tác hoa màu kết hợp chăn nuôi gia súc. Các gia đình Dương Thị Ngọc Lan, Vạn Thị Công, Lộ Dương… đã tự nguyện hiến đất thổ cư mở rộng đường nội thôn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Các nông hộ Nại Thành Phụ, Trượng Văn Bưởi, Đàng Năng Thịnh… là những “kiện tướng” thâm canh lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cánh đồng lớn vụ Hè-Thu, đạt năng suất 8-9 tạ/sào.

Anh Trượng Thành Liêm, Bí thư Chi bộ thôn Hiếu Lễ phấn khởi cho biết: “Với tinh thần huy động sức dân, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, cấp ủy Chi bộ và Ban Quản lý thôn Hiếu Lễ vận động các gia đình và các mạnh thường quân đóng góp chung tay thực hiện Chương trình thắp sáng đường quê. Công trình lắp đặt 120 bóng đèn led công suất 30Watt chiếu sáng 8 tuyến đường nội thôn dài trên 5km, công trình trị giá trên 100 triệu đồng, hoàn thành vào dịp đón Katê 2018”.

Đến với xã Phước Thái, chúng tôi gặp các nghệ nhân đội nhạc cụ truyền thống đồng bào Raglai thôn Tà Dương tổ chức luyện tập để tham gia biểu diễn mừng Lễ hội Katê tại tháp Pôklong Garai vào sáng ngày 9/10 cùng với đồng bào Chăm.

Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng Cả sư Bàlamôn, Trụ trì tháp Pôkong Garai bày tỏ niềm vui: “Đồng bào các làng Chăm đón mừng Lễ hội Katê phấn khởi lắm. Bà con làm ăn mùa màng thắng lợi, nhiều gia đình xây được nhà ở to đẹp và nuôi dạy con cháu học hành thành đạt. Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều trường học mới, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào Chăm. Bà con thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; tình hình an ninh trật tự thôn xóm được giữ vững. Tôi vận động bà con đón mừng Katê 2018 với tinh thần tiết kiệm, dành dụm vốn liếng đầu tư sản xuất, đóng góp cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng thôn xóm ngày càng giàu đẹp”.

Ông Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, toàn huyện có 10.430 hộ đồng bào Chăm với gần 49.000 người sinh sống tập trung ở 20 khu dân cư thuộc 7 xã, thị trấn. Lễ hội Katê năm nay, địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thi văn nghệ dân gian và biểu diễn trang phục dân tộc Chăm tại Phước Thuận; Hội thi tay nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; Hội thi tay nghề làm gốm Bàu Trúc; Hội thi thể thao dân gian Chăm.

Lễ hội Katê là dịp quảng bá, xúc tiến du lịch văn hóa và du lịch tâm linh gắn với phát triển các làng nghề truyền thống. Qua đó tạo khí thế khi đua sôi nổi trong đời sống nhân dân, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh địa phương.

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.