Nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tham quan và tìm hiểu thực tế về đời sống của bà con đồng bào DTTS tại địa phương, chị Ngô Thị Mơ, trưởng bản Bản 1, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh vui vẻ chia sẻ về những đổi thay tích cực của người dân, nhất là chị em phụ nữ DTTS trong tư duy, nhận thức về bình đằng giới.
Khi thấy chúng tôi boăn khoăn về việc chị là phụ nữ, tuổi đời còn trẻ nhưng đã làm trưởng bản 4 năm nay, chị Mơ vui vẻ cho hay: “Từ các buổi sinh hoạt với Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, rồi tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền về bình đẳng giới, mình đã mạnh dạn đứng lên giải thích, hướng dẫn cho những chị em, bà con chưa rõ nội dung; rồi dần dần mình cũng mạnh dạn tham gia vào các công việc khác của Bản 1. Vì thế, mình được bà con, chính quyền tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Mình nghĩ phụ nữ bây giờ không chỉ là lo việc nội trợ, gia đình, mà phải biết góp phần cho xã hội, cho cộng đồng nếu có thể, vậy thì mới tốt”.
Không riêng chị Mơ, hiện tại ở Bình Thuận rất nhiều phụ nữ DTTS đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, chủ động phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh và nâng cao trình độ mọi mặt. Như trường hợp của chị Đồng Thị Ánh Tuyết, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố Chăm, Thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh là một tấm gương sáng để hội viên, phụ nữ học tập, noi theo.
Không chỉ làm tốt công tác hội, chị Tuyết còn là hình mẫu trong việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Với vai trò là Chi hội Phụ nữ Khu phố Chăm, chị đã hướng dẫn chị em vay và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH, từ đó nhiều phụ nữ trong khu phố có công ăn việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu, xây dựng gia đình no ấm.
Chị Tuyết chia sẻ: “Phụ nữ DTTS có sự yếu thế về hiểu biết kiến thức pháp luật, xã hội, trước giờ đã quen với những nếp suy nghĩ cũ, do đó việc tăng cường tuyên truyền kiến thức xã hội, nhất là phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới là rất quan trọng. Cũng từ những lớp vận động, tuyên truyền trước đây mà bản thân tôi đã sớm nhận ra những vấn đề trên, từ đó tích cực hoạt động và hỗ trợ chị em tại khu phố Chăm của mình”.
Những năm qua Trung ương đã có rất nhiều chính sách sách đặc thù để hỗ trợ cho đồng bào các DTTS nói chung và phụ nữ nói riêng như: Nghị định số 39/2015/NĐ-CP (hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số); Quyết định số 1898/QĐ-TTg (Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS) hay như Quyết định số 498/QĐ-TTg (Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2025)… và hiện nay là Dự án 8 của Chương trình MTQG 1719. Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Thuận đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn.
Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Hiện nay, Hội LHPN tỉnh Bình Thuận – Cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 đã phối hợp Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, dự án sẽ thực hiện tại 20 thôn/12 xã thuộc 4 huyện là Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Tập trung vào 4 nội dung là tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; xây dựng và nhân rộng các mô hình tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo và Người có uy tín.
Tính đến nay Hội đã thành lập được 20 Tổ truyền thông tại cộng đồng, hoàn thành chỉ tiêu đầu tiên của Dự án 8, giai đoạn 2021-2025 về xây dựng Tổ truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng.
Tổ truyền thông cộng đồng là mô hình triển khai thực hiện nội dung “Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em”. Tổ truyền thông cộng đồng được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại đã và đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch, chậm nhất đến năm 2025 trên khu vực triển khai dự án cũng sẽ có ít nhất 15 tổ tiết kiệm vay vốn thôn, 1 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, có 3 địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, 5 câu lạc bộ “thủ lĩnh của sự thay đổi”…
Có thể thấy với những kết quả tích cực trong thời gian qua, và những mục tiêu của Dự án 8, Chương trình MTQG 1719, phụ nữ DTTS tại tỉnh Bình Thuận đã và đang có nhiều cơ hội phát triển, bình đẳng hơn trong học tập nâng cao trình độ, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội, từ đó số lượng phụ nữ DTTS tham gia hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng tăng và góp phần vào thành tựu chung trong sự phát triển của địa phương.