Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Về Lạc Tánh hôm nay

Lê Vũ - 21:13, 25/09/2023

Ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có những ngôi làng (nay là khu phố) dân số chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống từ lâu đời. Nhiều năm qua, nhờ các chương trình, dự án chính sách dân tộc đầu tư hỗ trợ nên đời sống của người dân trong các khu phố không còn khó khăn, thiếu thốn như xưa. Đặc biệt, đồng bào nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống trong lòng phố thị.

Cơ sở hạ tầng ở Lạc Tánh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, các dịch vụ ngày càng phát triển
Cơ sở hạ tầng ở Lạc Tánh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, các dịch vụ ngày càng phát triển

Hạ tầng phát triển, phố thị khang trang

Tánh Linh là một huyện miền núi, có 13 đơn vị hành chính (12 xã và 1 thị trấn), trong đó có 7 xã và 1 thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống, với tổng số 3.710 hộ/14.109 khẩu, chiếm trên 14% tổng dân số toàn huyện.

Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, có dịp về thị trấn Lạc Tánh, người bạn lái xe đưa chúng tôi đi, cũng là “thổ địa” vùng này phấn khởi: “Giờ Lạc Tánh nói riêng, hay các xã của huyện Tánh Linh nói chung đường sá thênh thang, xe ô tô chạy bon bon, chớp mắt là tới. Chứ hồi xưa thì …”.

Câu nói của người bạn làm tôi nhớ đến Lạc Tánh khoảng hơn chục năm về trước. Không những đường đi khó khăn “nắng bụi, mưa lầy”, thị trấn khi ấy buồn và đơn sơ lắm. Khách xa đến không dễ gì tìm được một quán ăn “kha khá”, hay tìm một quán cà phê ngon để nhâm nhi. Các hàng quán, dịch vụ cũng thưa thớt…

Nhưng lần này trở lại, tôi ngỡ ngàng vì Lạc Tánh đổi thay quá đỗi. Vẫn là Thị trấn yên bình nằm giữa màu xanh ngút ngàn của núi đồi và nương bãi, nhưng sạch đẹp, khang trang hơn rất nhiều. Nhà cửa mọc san sát, hàng quán, dịch vụ khá đầy đủ.

Bà Đào Thị Cương (bên phải) chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của đồng bào tại khu phố Chăm
Bà Đào Thị Cương (bên phải) chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của đồng bào tại khu phố Chăm

Ngồi nghỉ chân uống nước ở một quán nhỏ ven con đường huyết mạch của thị trấn và hỏi chuyện bà con sinh sống ở đây, bà Đào Thị Cương, ngụ khu phố Chăm, rôm rả chia sẻ: “Bây giờ ở đây mọi thứ đều phát triển, được Nhà nước đầu tư nên đường đi lại thuận tiện, sạch đẹp vô tận ngõ; điện sinh hoạt, nước sạch… đều được đáp ứng nhu cầu sử dụng của bà con. Bệnh viện, trường học, chợ, khu vui chơi sinh hoạt văn hóa cũng có, nói chung là tốt hơn xưa nhiều”.

Tiếp lời bà Cương, bà Thông Thị Kin, cùng khu phố Chăm cho biết: “Hiện tại đời sống của bà con ở đây cũng đỡ cực khổ hơn xưa, người có đất thì làm ruộng vườn, hoặc chăn nuôi, không thì bán buôn nhỏ, đời sống nâng cao hơn nên cũng nhiều ngành nghề dịch vụ bắt đầu phát triển...”

Quả thực thị trấn Lạc Tánh vài năm trở lại đây, đã có bước chuyển mình đáng kể, bộ mặt đô thị dần dần hiện rõ. Khu dân cư mới bên bờ sông Cát được hình thành từ dự án mở rộng khu dân cư thị trấn, giờ đây nhà cửa liền kề san sát. Đây là kết quả của quá trình  phát huy nội lực để phát triển bền vững cho bà con DTTS tại Lạc Tánh đã được chính quyền địa phương, các ngành chức năng luôn trăn trở, nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua.

Đời sống người dân được cải thiện

Hiện nay, ở thị trấn Lạc Tánh có 3 khu phố đồng bào DTTS sống tập trung, gồm khu phố Chăm (chủ yếu người Chăm sinh sống); khu phố Trà Cụ (người Gia Rai và Cơ ho ); khu phố Tân Thành (người Tày, Nùng, Gia Rai). Giai đoạn 2021 – 2025, khu phố Trà Cụ và Tân Thành đang xếp vào thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với đặc điểm này, tuy là thị trấn, nhưng Lạc Tánh lại là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì trong huyện Tánh Linh, chỉ sau La Ngâu, Măng Tố, là 2 xã thuần đồng bào DTTS khác của huyện.

Một số hộ gia đình ở Lạc Tánh vừa được hỗ trợ xây dựng nhà mới từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Một số hộ gia đình ở Lạc Tánh vừa được hỗ trợ xây dựng nhà mới từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc triển khai các chương trình chính sách, dự án, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Giai đoạn 1: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đã tạo nguồn lực để thúc đẩy các khu phố này phát triển, người dân được thụ hưởng sách sách vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.

Dẫn chúng tôi tham quan một vài căn nhà của đồng bào vừa được hỗ trợ xây dựng mới, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khu phố, đồng thời là Người có uy tín tại Khu phố Trà Cụ chia sẻ: Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong khu phố nói riêng và thị trấn nói chung không ngừng được cải thiện. Từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rồi hiện nay là Chương trình MTQG 1719, phải nói là không chỉ làm đổi thay diện mạo bên ngoài, mà nội tại bên trong tư tưởng, cách sống, nếp nghĩ, cách làm của bà con cũng đổi thay theo hướng tích cực hơn, tốt đẹp hơn.

Bà con đã không còn chỉ biết trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước, mà đã biết cách chủ động, tận dụng các chính sách hỗ trợ để lao động, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và làm giàu. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Trà Cú giảm đáng kể, từ 50% năm 2017  xuống còn 23,5% vào cuối năm 2022.

"Với đà này, việc đưa các khu phố của thị trấn ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn chắc cũng không còn lâu nữa", ông Dũng thông tin.

Thị trấn Lạc Tánh dù đổi mới khang trang, hiện đại, nhưng vẫn giữ được sự yên bình vốn có
Thị trấn Lạc Tánh dù đổi mới khang trang, hiện đại, nhưng vẫn giữ được sự yên bình vốn có

Một điều ấn tượng nhất với chúng tôi ở thị trấn nhỏ này là dù đổi mới, khang trang, hiện đại, nhưng Lạc Tánh vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo và sự yên bình vốn có. Cũng thật khó diễn tả, nhưng âu đó chính là điều mà Lạc Tánh níu chân người?

Chia tay Lạc Tánh, trong cơn mưa chiều nhè nhẹ, chúng tôi chợt xao xuyến với lời nhắn nhủ của những người phụ nữ Chăm hiền hậu: “Khi nào về thị trấn công tác, nhớ ghé thăm tụi tui, uống ly nước rồi hãy đi nha cậu”.

Nhất định rồi, chúng tôi sẽ trở lại Lạc Tánh trong một ngày không xa, và lúc này sẽ được nghe kể về thị trấn đã không còn hộ nghèo, về bản sắc tốt đẹp bà con gìn giữ, để không chỉ đầy đủ về đời sống vật chất mà còn phải phong phú về đời sống tinh thần.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.