Rồi một ngày đầu năm 2002, những người lính của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 4, Quân khu 4 hành quân về cùng bà con chiến đấu với “giặc” nghèo. Nói là vào giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, nhưng những ngày đầu không phải bà con ai cũng hiểu được, hiểu đúng việc bộ đội làm. Làm sao để bà con nghe mình dần bỏ lối canh tác “phá, đốt, cốt, trỉa”, bỏ các hủ tục, không di dịch cư tự phát… là cả một bài toán nan giải không chỉ một sớm, một chiều đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Nhận thức được điều đó, ngoài việc “3 bám” (bám dân, bám bản, bám đối tượng), Đoàn KTQP 4 đã mở lớp học tiếng đồng bào cho cán bộ, chiến sĩ để “4 cùng” với bà con. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ đã cùng Nhân dân dần dần từng bước thực hiện hiệu quả “5 xóa” (xóa đói cái ăn, xóa đói cái mặc, xóa đói con chữ, xóa đói thông tin, xóa đói thuốc chữa bệnh, thiếu nước sạch).
Nhớ lại những ngày đầu gian khó, Thượng tá Trịnh Ngọc Quế- nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn KTQP 4 cho biết, đóng quân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện Kỳ Sơn và Quế Phong, tỉnh Nghệ An, phải có ý chí và kỷ luật thép của người lính thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Mỗi viên gạch, tấm lợp đem được lên nơi đây không chỉ đo đếm được bằng công sức, mà phải xác định bằng lòng quả cảm. Sau hơn 1 năm, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Đoàn đã triển khai hỗ trợ, giúp cho 762 hộ dân từ những đỉnh núi chon von, “hạ sơn” về quây quần bên con đường vành đai mới mở. Có đường, câu chuyện xê dịch cũ buồn của người Mông đã tạm dừng. Bản Ka Trên, Ka Dưới, Phù Khả 1, Phù Khả 2... đã ấm lại tiếng người.
Đêm xuống nơi miền biên viễn, ánh điện bừng lên, sáng cả núi rừng. Anh Lầu Chia Xư ở bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi khoe rằng, bây giờ nhà mình không còn sợ cái đói nữa, con cái đã được đến trường học cái chữ, năm tới mình sẽ mua chiếc máy cày để làm lúa được nhiều hơn.
Đi cùng tôi, ông Mùa Chồng Chà- Trưởng bản Phù Khả 2 kể lại: “Cái Xư trước là con nghiện ma túy đấy. Vì thế, nhà nó thiếu ăn triền miên. Nhờ bộ đội Đoàn 4 khuyên bảo nhiều, nó đã bỏ thuốc phiện, giúp làm rẫy, trồng dong riềng, nuôi bò nên giờ mới được no cái bụng đó”.
Bằng ý chí của người lính, những miền đất còn thiếu ánh lửa hồng nay đã ấm lại. Từ chỗ sống rải rác trên núi cao, bà con đồng bào dân tộc Mông đã về quần tụ với bà con người Thái, Khơ Mú… nơi những bản làng mới. Hầu như bây giờ gia đình nào cũng có ti vi, xe máy, có nhiều hộ còn mua được cả ô tô. Ánh điện bừng sáng nơi rừng sâu hôm nay nhờ 3 công trình cấp điện của Đoàn 4. Nguồn nước tưới tiêu cho cây lúa cũng được bảo đảm bởi các công trình thủy lợi ở bản Huổi Phừng (Nậm Càn), Ca Nọi 1 và 2 (Na Ngoi). Trước, đồng bào chỉ biết làm lúa rẫy, nay tỷ lệ trồng lúa nước đã nhiều hơn nương rẫy với 2 vụ mỗi năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê khẳng định: “Đoàn KTQP 4 đứng chân thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 4 xã khó khăn của huyện đã phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn trăn trở với những khó khăn, vất vả trước cái đói, cái nghèo, lạc hậu của người dân. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã xây dựng, triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế ngày càng phát triển. Cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Kỳ Sơn đánh giá cao sự chung tay, giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 4 trong quá trình phát triển của huyện”.