Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ngày hội an cư

Phạm Việt Thắng - 14:25, 22/03/2023

Điện thoại của anh Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) liên tục đổ chuông. Nơi thì hỏi cát, chỗ gọi xi măng… tất bật lắm. “Cả Kỳ Sơn như đang vào hội, ở đâu cũng rộn rã tiếng nói tiếng cười. Những ngày này, bà con đang chung tay giúp hộ nghèo dựng lại nhà”, anh Hòa hồ hởi nói. Và tôi gọi đó là ngày hội an cư.

Ai cũng sẵn lòng giúp hộ nghèo làm nền nhà
Ai cũng sẵn lòng giúp hộ nghèo làm nền nhà

1.000 ngôi nhà…

Đã chập choạng tối, nhưng mọi người vẫn chưa ngơi tay. Nhất là các em học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Bảo Thắng. Cháu thì gùi, cháu mang vác… cơ man nào là cát, sỏi chẳng mấy chốc đã lấp đầy nền nhà. Lúc này, người lớn vừa đo đạc, cân chỉnh, vừa trộn vữa đổ bê tông… như những người thợ chuyên nghiệp. Cả bản Cha Ca 2 náo nhiệt.

Trường Mầm non Bảo Thắng được giao nhiệm vụ làm 5 nền nhà ở bản Cha Ca 2. Những bàn tay trắng ngần, hàng ngày chỉ biết múa hát, dạy trẻ, thế mà không ngờ các cô san nền, xách nước, trộn vữa… chẳng thua gì dân bản. Cô Hoàng Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bảo Thắng, gạt mồ hôi mới lộ ra cả hai bàn tay đang phải băng bó. Cô cười rõ tươi: “Ăn thua gì đâu anh. Bà con có nhà ở thì tay mình bầm dập một tí cũng cứ vui mà”.

Ông Moong Phọ Cảnh không giấu được nỗi niềm xúc động: “Trước ta cũng có nhà, nhưng nó đã nghiêng hẳn rồi, không dám ở nữa nên phải dựng cái lán này. Giờ được tặng nhà ta sướng ơi là sướng, đến nỗi đêm không muốn ngủ một tí mô cả. Trước cứ lo nhà sập, giờ thì chuẩn bị được vui rồi”.

Ông kể, ở đây nhà nào cũng ở trên cao nên các phương tiện vận chuyển không thể đưa vật liệu đến được. Từ xã vào bản, mọi người phải dùng xe trâu, còn từ đường cái lên nhà, ngoài mang vác ra thì không còn cách nào khác. “Bà con, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ để ta sớm có nhà ở”, ông Cảnh xúc động nói.

Cụ Moong Thị Khum và con trai Moong Văn Khuê háo hức đón chờ nhà mới
Cụ Moong Thị Khum và con trai Moong Văn Khuê háo hức đón chờ nhà mới

Ở ngọn đồi bên kia là nhà anh Moong Văn Khuê, sinh năm 1987. Anh Khuê có hoàn cảnh rất đáng thương, bản thân bị tàn tật bẩm sinh, lại còn phải nuôi dưỡng mẹ già gần 80 tuổi. Anh Khuê gạt nước mắt mà rằng, mình chỉ biết đi chăn trâu thuê cho người ta, chứ không làm được gì cả. Mình cũng có vợ rồi đấy, nhưng vì nghèo quá, nó bỏ mẹ con mình mà đi. Bà con thương, dựng cho một căn lều, năm ngoái nó bị xiêu vẹo, nằm trong nhà mà không khác chi ở ngoài trời. Giờ sắp có nhà mới, mẹ con mình vui lắm.

Tiếp lời con trai, cụ Moong Thị Khum rơm rớm: “Không có chi vui bằng, ai cũng thương, cũng lo cho mẹ con tui. Tui cảm ơn lắm lắm”. Đoạn cụ chỉ tay về đoàn học sinh: “Đang nhỏ thế mà đã biết giúp đỡ người khác rồi, ngoan quá”.

Lúc này, tôi mới nhận ra, mình chưa hỏi chuyện, chưa được nghe cảm nhận của các em. “Chiều nay trường tổ chức cho học sinh lao động, sau khi quét dọn sân trường, chúng cháu đến đây vận chuyển vật liệu, giúp mẹ con chú Khuê làm nền nhà mới. Nhà chú Khuê tội nghiệp lắm, hai mẹ con nghèo hết chỗ nghèo, cái nhà cũ thì nghiêng nghiêng ngả ngả. Được giúp người nghèo, chúng cháu rất vui, thấy mình làm được một việc có ý nghĩa”, tâm sự của cháu Cụt Thị Đào, lớp 8B, Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Bảo Thắng.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý (bìa phải) bàn giao nhà và động viên anh Cụt Văn Ân (bìa trái): “Coi đây là động lực để vươn lên thoát nghèo”
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý (bìa phải) bàn giao nhà và động viên anh Cụt Văn Ân (bìa trái): “Coi đây là động lực để vươn lên thoát nghèo”

… Và còn nhiều hơn thế

Từ tinh mơ, bà con hai bản Hồng Tiến và Lưu Tiến của xã Chiêu Lưu đã xiêm áo sặc sỡ, tề tựu tại nhà anh Cụt Văn Ân để đón Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo tỉnh về thăm và trao nhà cho hộ nghèo. 

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao nhà cho hộ nghèo ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý chia vui với dân bản, biểu dương bà con đã chung tay, chung sức giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, nhất là giúp các hộ nghèo nhanh chóng có mặt bằng để dựng nhà. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn bà con vươn lên thoát nghèo, giúp nhau cùng thoát nghèo…

Nhà Ân nghèo lắm, lại sinh những 6 đứa con, thế là càng nghèo. Ân kể, trước cũng có căn nhà tạm tạm, chứa đến 8 người, đứa này ôm đứa kia lăn lóc mà ngủ. Nay có nhà mới, Ân vui lắm, gọi điện khoe với cu con đầu đang đi làm ăn xa, dặn con là ráng mà siêng năng, chịu khó để gia đình mau chóng thoát nghèo.

“Em cũng sẽ tích cực đi làm thợ xây, xa mấy cũng đi để có tiền cho 5 đứa còn lại ăn học, gia đình cũng đỡ nghèo hơn. Em ghi nhớ lời của anh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, có nhà mới rồi thì phải chịu khó làm ăn, coi đó là động lực để vươn lên thoát nghèo”, Ân tâm sự.

Cạnh nhà Ân là một hoàn cảnh nữa, vừa đáng giận nhưng cũng vừa đáng thương. Ấy là anh Vi Văn Ngộn. Anh thành thật kể cho tôi nghe về câu chuyện tù tội của mình. Gần 15 năm trước, Ngộn khỏe khoắn, đẹp trai nên dễ lấy vợ lắm. Vợ chồng Ngộn có với nhau 3 mặt con, thì anh phải vào tù. “Tôi được một nhóm người nhờ dẫn đường đi mua trâu. Kỳ lạ là đến đâu nó cũng chê trâu xấu, rồi lại bỏ đi bản khác… Cho đến khi tôi bị bắt mới biết đó là bọn người xấu, đi buôn ma túy. Tòa tuyên phạt tôi 20 năm tù, do cải tạo tốt nên thụ án được 14 năm thì được tha trước thời hạn”.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS vận chuyển giúp mẹ con anh Ân làm nhà mới
Học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS vận chuyển giúp mẹ con anh Ân làm nhà mới

Ngày Ngộn về quê, thì hỡi ôi, vợ con đã bỏ đi mất, nhà cửa đổ sập, không chỗ nương thân. May bà con thương tình, dựng cho một túp lều tạm để chui ra chui vào. Giờ được tặng nhà mới, anh Ngộn vui đến trào nước mắt. Cuộc chuyện trò của chúng tôi vì thế mà cứ bị ngắt quãng. Anh muốn đón vợ con về, cùng chịu khó làm ăn, cùng sum vầy bên nhau, nhưng như anh nói là không thể nữa rồi, vì vợ anh đã theo người đàn ông khác, sang tận bên Lào. “Tôi sẽ làm lại cuộc đời, sẽ chăm chỉ lao động để có cuộc sống tốt hơn và sẽ không bao giờ vi phạm pháp luật nữa”, anh Ngộn hạ quyết tâm.

Niềm vui khôn tả của anh Vi Văn Ngộn khi được tặng nhà mới
Niềm vui khôn tả của anh Vi Văn Ngộn khi được tặng nhà mới

Cũng trong buổi sáng hôm đó, tôi thấy một gương mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi - Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu - ông Cụt Thanh Hoài. Ông vui là đúng rồi, vì xã ông được tặng nhà cho hộ nghèo nhiều nhất huyện đợt này, 123 căn.

Ông Bí thư trẻ chia sẻ: Chỉ trong vòng 5 ngày toàn xã đã làm xong 123 nền nhà để bàn giao cho đơn vị thi công. Đến nay, có 65/123 căn đã xong và được Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý, Giám đốc Công an tỉnh Phạm Thế Tùng và các anh chị lãnh đạo tỉnh về trao.

“Chúng tôi làm cả ngày lẫn đêm, quyết tâm hoàn thành nền nhà trước thời hạn. Bà con ai cũng háo hức giúp người nghèo, thêm một hộ có nhà là bản thêm một niềm vui. Anh em cán bộ, công chức thì cứ hết giờ làm việc là chạy ngay về bản giúp dân, làm đến 10 giờ đêm mới nghỉ. Vui không tả hết, anh ạ”, Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu Cụt Thanh Hoài hân hoan.

Ở bản Cha Ca 2, trâu cũng “vào cuộc” làm nhà cho hộ nghèo
Ở bản Cha Ca 2, trâu cũng “vào cuộc” làm nhà cho hộ nghèo

Ông Thái Thanh Quý khẳng định, tặng nhà cho hộ nghèo là chủ trương hết sức đúng đắn và đúng hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Trong đó, đơn vị tiên phong, đi trước là Công an tỉnh, đã kêu gọi, vận động để tặng bà con 1.000 căn. Ngoài ra, Bộ Công an cũng sẽ tặng bà con thuộc diện hộ nghèo ở 27 xã biên giới tỉnh Nghệ An 1420 căn nữa. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, phấn đấu trong vòng 3 năm, từ nay đến 2025, toàn tỉnh sẽ vận động để hỗ trợ cho bà con thuộc diện hộ nghèo hơn 10.000 căn nhà.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.