Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lai Châu: Hàng nghìn hộ dân được hỗ trợ làm nhà ở

PV - 09:34, 20/06/2018

Đề án phát triển kinh tế- xã hội các dân tộc đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1672 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó hỗ trợ làm nhà ở đối với hộ nghèo đã giúp cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn Cống, Mảng, La Hủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu có nhà ở đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng”.

Vài năm trước, gia đình chị Sừng Mỳ Ché dân tộc La Hủ ở bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè thuộc diện hộ nghèo trong xã, sống trong căn nhà tranh tre nứa lá đã dột nát. Theo Quyết định 1672 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình chị Ché thuộc diện được hỗ trợ làm nhà. Theo đó, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước cùng với vật liệu tích cóp và vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị đã dựng được ngôi nhà sàn khang trang. Có nhà ở ổn định, gia đình chị có điều kiện tập trung phát triển kinh tế. Năm 2017 gia đình chị là một trong các hộ không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã.

 Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước hàng nghìn hộ đồng bào DTTS ở Lai Châu đã có nhà ở mới. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước hàng nghìn hộ đồng bào DTTS ở Lai Châu đã có nhà ở mới.

 

“Bà con trong bản ai cũng phấn khởi vì được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà mới. Trước đây, hầu hết bà con La Hủ chỉ có nhà tranh tre, mùa mưa gió lúc nào cũng lo nhà bị sập đổ. Bây giờ, hầu hết các gia đình đã có nhà đảm bảo an toàn rồi chỉ còn lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình thôi”, chị Ché tâm sự.

Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Là huyện nghèo của tỉnh, nên Mường Tè không có khả năng để hỗ trợ cho bà con làm nhà ở. Từ khi có Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1672 của Thủ tướng Chính phủ, địa phương coi đây là nguồn lực rất quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho bà con. Để triển khai có hiệu quả Đề án, huyện Mường Tè đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các xã, các phòng ban chuyên môn vận động nhân dân khai thác thêm vật liệu, lồng ghép thêm nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với nguồn hỗ trợ của đề án để triển khai thực hiện.

“Từ nguồn hỗ trợ này, đến nay, đã có 1.200 hộ đồng bào Cống, Mảng, La Hủ được làm nhà mới, ổn định cuộc sống tập trung phát triển kinh tế”, ông Thạch cho biết thêm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án cũng có những khó khăn tồn tại. Cụ thể như, đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Người già neo đơn, ốm đau bệnh tật... thì mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ như hiện nay là thấp và khó thực hiện được mục tiêu xóa nhà tạm cho bà con. Trong quá trình thực hiện, do nguồn hỗ trợ có hạn, hơn nữa nhà chủ yếu làm bằng gỗ theo tập quán lâu nay của bà con nên độ bền không cao. Theo tiêu chuẩn, độ bền đề ra là phải 10 năm trở lên, nhưng chất lượng nhà bằng gỗ thì bao giờ cũng dễ bị mối mọt, ẩm mốc. Tiêu chí đạt diện tích tối thiểu là 25m2, nhưng có hộ có tới 5-6 nhân khẩu nên khó đáp ứng tiêu chí.

“Do vậy, cần có chế độ chính sách và cơ chế đặc thù để địa phương có thể triển khai đề án hiệu quả, giúp các hộ đặc biệt khó khăn có thể xóa nhà tạm bền vững mà không lo quay trở lại dột nát”, ông Thạch kiến nghị.

Theo thống kê của tỉnh, trong 3 năm qua, toàn tỉnh Lai Châu có 3.865 hộ thuộc diện nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nâng cấp với tổng kinh phí thực hiện là hơn 213 tỷ đồng. Trong đó, vốn tín dụng ưu đãi là hơn 96,6 tỷ đồng, nguồn huy động từ quỹ “Vì người nghèo” là 1,5 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, gia đình là 115 tỷ đồng…

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.