Để tiếp tục đầu tư thúc đẩy vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển, UBND tỉnh Bình Thuận đã sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Được biết, tổng kinh phí thực hiện của giai đoạn I là hơn 852 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025, với 10 dự án thành phần. Trong 10 dự án đó, Tánh Linh là huyện đi tiên phong trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào (Dự án 1). Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí xây dựng nhà ở vẫn chưa được giải ngân trong khi tiến độ xây dựng đã đạt 80%, thậm chí nhiều căn nhà đã hoàn thiện.
Ngồi trước căn nhà mới, ông K’Chôn (Dân tộc Cơ Ho, ngụ Bản 1, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh) xúc động chia sẻ với chúng tôi: “Được cái nhà khang trang, vững chãi mừng lắm. Cảm ơn Nhà nước nhiều lắm. Ngày trước ở nhà tranh, gió bão, mưa to như vầy là sợ lắm.”
Ông Đặng Công Khanh, Chủ tịch UBND xã La Ngâu, huyện Tánh Linh chia sẻ với chúng tôi, La Ngâu là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Thuận. Thực hiện Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719, riêng trong năm 2022 xã được giải quyết xây mới 24 căn nhà cho bà con đồng bào DTTS, đây là tin vui, phấn khởi vô cùng. Nhà ở là nhu cầu cơ bản, thiết yếu và cốt lõi nhất của mỗi người, đặc biệt là các hộ nghèo. Vì vậy khi có chủ trương, đồng thời vận động được bà con góp thêm vốn đối ứng của gia đình để có thể xây dựng được căn nhà vững chãi hơn, khang trang hơn, là bà con hồ hở bắt tay vào làm ngay. Tuy nhiên do vướng mắc nhiều thủ tục, đến nay hầu hết bà con đã xây nhà gần xong, nhưng vốn Nhà nước thì vẫn chưa được giải ngân, gây ra nhiều khó khăn bất cập. Nhiều hộ dân phải đi vay mượn bên ngoài hoặc của ngân hàng chính sách để xử lý tạm vào khoảng chi phí thiếu hụt trong khi chờ được giải ngân, như trường hợp hộ của ông K’Chôn là một ví dụ. Mùa mưa bão tới rồi, đâu thể không hoàn thiện nhanh căn nhà được.
Tương tự ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng Khu phố Trà Cụ, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh cũng cho biết: Năm 2022 khu phố được hỗ trợ xây mới cho bà con hộ nghèo 5 căn nhà, năm 2023 nhu cầu cũng khoảng 5 căn. Những căn của năm 2022 xây xong phần thô hết rồi, bà con vô ở tạm rồi, nhưng cũng chưa xử lý xong kinh phí. Địa phương cũng xử lý tạm bằng cách hướng dẫn, hộ trợ bà con vay vốn từ ngân hàng chính sách để thanh toán nhân công, vật tư…
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Tánh Linh đến cuối tháng 8/2023 cho thấy, riêng về “Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, ngân sách giao năm 2022 là 3 tỷ 622 triệu đồng; UBND huyện đã ban hành Quyết định phân khai vốn và Quyết định phê duyệt danh sách cho 74 hộ xây dựng nhà ở và 44 hộ chuyển đổi nghề nghiệp của 7/7 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS. Đến nay các hộ đồng bào DTTS đã triển khai xây dựng nhà ở (tiến độ 80%); tuy nhiên nguồn kinh phí xây dựng nhà ở 2 tỷ 966 triệu đồng chưa giải ngân được (lý do: đang chờ Sở Tài chính hướng dẫn các xã, thị trấn lập hồ sơ để Sở tài chính cấp mã số).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho biết: “Khi phát sinh những vấn đề trong quá trình triển khai dự án, thông tin từ cơ sở báo lên, Ban Dân tộc tỉnh đã kịp thời nắm bắt, tham mưu ngay cho Ủy ban tỉnh để có đề xuất, kiến nghị lên Trung ương. Hiện nay trong quá trình chờ hướng dẫn xử lý triệt để, Ban Dân tộc cũng đã hỗ trợ các địa phương nhiều giải pháp xử lý tạm thời đề đảm bảo ít ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhất.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, hầu hết các chương trình, chính sách về dân tộc đã được triển khai hiệu quả, đồng bộ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung và huyện Tánh Linh nói riêng. Qua đó góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 hy vọng sẽ sớm được tháo gỡ để giúp cho vùng DTTS ở Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.