Chúng tôi đến thăm Long Mỹ vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử. Dưới cái nắng nóng gay gắt của mùa khô hạn, nhưng vẫn thấp thoáng hiện những vườn cây ăn trái xanh tươi; khu công sở hành chính, trường học, bệnh viện khang trang, những con đường trải nhựa, bê tông hai bên được trồng cây xanh tốt len lỏi đến từng nếp nhà… đã phủ lấp những vết tích về hạ tầng cơ sở của một thời bị đổ nát bởi bom đạn.
Tuy nhiên, lịch sử và trong mỗi con người nơi đây vẫn ghi nhớ, Long Mỹ từng là vùng trọng điểm đánh phá của địch. 45 năm đã trôi qua, vết thương chiến tranh vẫn còn để lại. Toàn huyện hiện có 10.763 gia đình chính sách, 8 Anh hùng Lực lượng vũ trang, 270 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 50 mẹ còn sống). Những con số đó đã nói lên tinh thần anh dũng bất khuất, những mất mát của Nhân dân Long Mỹ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau chiến tranh, Long Mỹ từng bước khôi phục lại kinh tế, với ngành mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp. Nhiều nguồn lực của Nhà nước được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở; hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất; người dân được hỗ trợ phát triển sản xuất, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 28,59 triệu đồng/người/năm, thì hết năm 2019, đạt đến 38,42 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, huyện hiện có 2.380 hộ dân tộc Khmer và 168 hộ đồng bào Hoa (chiếm khoảng 12% dân số), sinh sống chủ yếu ở các xã: Xà Phiên, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Vĩnh Thuận Đông và thị trấn Vĩnh Viễn; nên thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư, xây dựng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất phát triển kinh tế. Năm 2019, Long Mỹ là địa phương được chọn tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS điểm đầu tiên của tỉnh Hậu Giang.
Ông Sơn Thanh Sóc, Người có uy tín ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn chia sẻ: Do có nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên ấp nhận được nhiều chương trình, dự án hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, tập huấn khoa học kỹ thuật; hệ thống các kênh nội đồng được nạo vét, nước sản xuất được bơm tưới đầy đủ... tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đến cuối năm 2019, ấp 12 chỉ còn 2% hộ nghèo.
Theo ông Lân Thanh Hùng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Mỹ huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã thì có 2 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khu vực III (Xà Phiên và Lương Nghĩa). Những năm qua, ngoài 2 xã ĐBKK được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án chính sách dân tộc, thì đối với các xã khác, huyện cũng đã chỉ đạo các xã chủ động tranh thủ các nguồn lực ưu đãi, xã hội hóa, phát huy nội lực vươn lên phát triển, nhất là tập trung cho công tác giảm nghèo, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS 3 - 4%/năm.
Đặc biệt, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, các tầng lớp Nhân dân Long Mỹ đã tích cực đóng góp công sức vào sự phát triển chung của quê hương Anh hùng. Chỉ tính trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện Long Mỹ đã huy động được 61,1 tỷ đồng làm đường giao thông, trong đó Nhân dân đóng góp 21,7 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, tiếp nối truyền thống cách mạng, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân huyện Long Mỹ sẽ quyết tâm đẩy mạnh công tác kiến thiết xây dựng quê hương ngày càng phát triển.