Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Về Gò Cỏ - miền dấu tích ngàn xưa

Tiêu Dao - 10:50, 05/04/2023

Hơn 100 năm qua, bắt đầu từ khi văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909 tại Sa Huỳnh, thì cái tên làng Gò Cỏ (Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã được nhiều người biết đến. Hôm nay, bà con ở “miền dấu tích ngàn xưa” này, đã quan tâm tôn tạo, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp, xây dựng các hạ tầng Homestay để đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn.

Một góc Sa Huỳnh nhìn từ trên cao.
Một góc Sa Huỳnh nhìn từ trên cao

Tiếng vọng từ đất

Tôi vào ngôi làng cổ Gò Cỏ (Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) để cảm nhận sự yên bình đến lạ. Cách đây chưa lâu, vào ngày 24/3/2023, người làng và những cư dân xung quanh Sa Huỳnh vừa rầm rộ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa Sa Huỳnh của Thủ tướng Chính phủ. Văn hóa Sa Huỳnh - ấy là cái tên chung của cả một nền văn hóa trải dọc nhiều địa phương miền Trung, nhưng đậm đặc nhất vẫn là ở Quảng Ngãi, mà nơi khởi thủy đó chính là khu vực làng Gò Cỏ này.

Bà Bùi Thị Vân (68 tuổi) bảo rằng, cả đời bà sống giữa di sản mà chẳng biết. Ngày cả làng, cả địa phương rầm rộ đón những đoàn khảo cổ cách đây gần chục năm. Rồi bây giờ, đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa, người làng như rộn ràng hơn, thấu cảm được cả những huy hoàng trong đất mà tiền nhân để lại.

Các hiện vật mộ chum được lưu giữ tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh)
Các hiện vật mộ chum được lưu giữ tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh)

Bà Huỳnh Thị Thương (71 tuổi), thì tự hào khi ngôi làng vốn vô danh bây giờ cũng đã nổi tiếng. Mà quả thật, chỉ cách đây ít năm thôi, làng Gò Cỏ mới được các chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước biết đến vào năm 2017. Chính đoàn khảo sát cũng tiếp cận ngôi làng từ phía biển.

Ngôi làng gần như chẳng mấy ai biết đến, nhưng rồi tất cả phải vỡ òa khi phát lộ ở làng Gò Cỏ, đầm An Khê là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh. Cùng tiếp nối là văn hóa Chăm pa với hàng loạt di tích như đường đá, giếng Chăm, bia ký Chăm, tường đá, tháp Chăm, hệ thống thủy lợi bằng đá được xếp vô cùng công phu... 

Đặc biệt, dưới đáy đầm An Khê còn có một cây cầu đá Chămpa xây dựng dang dở. Song song với đó, là nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh đã được khai quật. Thời điểm ấy, đoàn khảo sát để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Cả một nền văn hóa 2000 - 2500 năm tưởng chừng ngủ im trong lòng đất đã được đánh thức. Hơn 100 năm qua, bắt đầu từ khi văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909 tại Sa Huỳnh, thì cái tên địa danh ấy đã được đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này.

Bộ sưu tập công cụ sản xuất đồ đá trong di tích Long Thạnh. (Ảnh: Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh).
Bộ sưu tập công cụ sản xuất đồ đá trong di tích Long Thạnh. (Ảnh: Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh).

Theo Ts. Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, thì thông tin đầu tiên trong Niên giám 1909 của tập san Trường Viễn Đông Bác cổ về việc phát hiện một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh. Từ đó đến nay, hàng trăm di tích của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. 

Trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu, hiện đã có 26 di tích được khai quật. Vùng lõi văn hóa Sa Huỳnh cần được bảo vệ đặc biệt rộng hơn 1.600 ha gồm: Di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), Di tích Thạnh Đức, Di tích Phú Khương, Quần thể di tích Chăm pa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê, lạch An Khê - sông Cửa Lỗ đều ở Sa Huỳnh. Diện mạo của văn hóa Sa Huỳnh, từ nguồn gốc đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích di vật đến đặc trưng văn hóa… ngày càng được khám phá rõ nét hơn.

Các hiện vật mộ chum tại di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Các hiện vật mộ chum tại di chỉ văn hóa Sa Huỳnh

Cũng theo Ts. Đoàn Ngọc Khôi, đặc trưng cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh, là táng thức mộ chum. Di tích là những khu mộ táng rộng lớn gồm hàng chục, hàng trăm chum, vò gốm chôn đứng trong địa tầng. Trong chum vò chứa nhiều đồ tùy táng gồm các chất liệu đá, gốm, sắt, đá quý, thủy tinh rất đa dạng về loại hình như công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, trang sức…

Đặc trưng về di vật là sự phổ biến của công cụ lao động bằng sắt, đồ gốm tô màu trang trí nhiều đồ án hoa văn khắc vạch, đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh như vòng, hạt chuỗi, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú… Đặc biệt thủy tinh nhân tạo, là một thành tựu rực rỡ của văn hóa Sa Huỳnh. Đây là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm trên thế giới. Chúng không những có kiểu dáng đa dạng mà còn phong phú về màu sắc như­ xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ và nâu.

Nâng giá trị cho miền di sản

Gò Cỏ bây giờ “bỗng dưng” nổi tiếng hơn, cho dù vài năm trở lại đây, người dân nơi đây đã đón không ít đoàn khách đến tham quan thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa và cả để nghỉ dưỡng. Trong Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh nằm bên đầm An Khê, cách trung tâm làng Gò Cỏ vài trăm mét, nhiều người khách lạ như thấy mình lạc vào vùng đất chứa đựng nhiều câu chuyện của người xưa.

Sa Huỳnh xưa vốn là vùng đất giàu có, thương cảng Sa Huỳnh một thời giao thương phồn thịnh, nơi đây có cửa biển nằm cạnh dòng hải lưu ven bờ, có vịnh kín, ghe thuyền ẩn trú an toàn. Đây cũng là điểm xuất phát con đường muối, từ vùng muối Sa Huỳnh lên Tây Nguyên và đi các nơi theo đường biển. Muối gắn liền với cư dân Sa Huỳnh, Cham pa, Đại Việt, đem lại sự giàu có và quyền lực.

Du khách tham quan, tìm hiểu Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh đang trưng bày 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị về nền văn hóa Sa Huỳnh.
Du khách tham quan, tìm hiểu Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh đang trưng bày 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị về nền văn hóa Sa Huỳnh.

Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo... Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Di sản văn hóa dân gian của cư dân sống quanh đầm An Khê, nương tựa vào đầm An Khê là một di sản văn hóa phong phú, đặc trưng.

Vài ba năm trở lại đây, làng Gò Cỏ và các khu vực lân cận như đầm An Khê, Gò Ma Vương... được định hướng để xây dựng thành điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng. Những người dân một đời chỉ quen đi biển, làm muối, trồng cấy đã hăng hái trước vận mệnh của làng, của vùng đất này.

(Bài CTV) Miền dấu tích ngàn xưa 5

Ngay cả những người nhiều tuổi trong làng như Bùi Thị Vân (68 tuổi), bà Huỳnh Thị Thương (71 tuổi) cũng học làm du lịch. Ngôi nhà tranh của bà Vân giờ đã thành Homestay. “Làng tôi từng không ai biết, không ai thèm đến. Chính con cháu trong làng cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhưng giờ khác rồi, du khách đến nườm nượp, nhiều đến mức có khi chúng tôi phải từ chối đón đoàn vì quá tải”, bà Vân tâm sự.

Ông Lê Minh Phụng - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng tự hào khi nói rằng, bà con ở vùng này đã chú trọng quan tâm tôn tạo, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp, xây dựng các hạ tầng Homestay, dịch vụ ăn uống, tham quan trải nghiệm đan lưới, làm bánh, hát hố, hát bài chòi. 

“Nhiều người trẻ sau khi đi học đã mang kiến thức về để phát triển du lịch địa phương. Đời sống người dân đã khá lên trông thấy nhờ di sản này. Hy vọng trong tương lai, với sự đầu tư của các cấp các ngành và các doanh nghiệp, thì Sa Huỳnh sẽ là điểm du lịch nổi bật ở miền Trung!”, ông Phụng cho biết.

Đầm An Khê tổ chức nhiều hoạt động du lịch như chèo thuyền, đánh bắt cá...được du khách thích thú.
Người dân ở đầm An Khê đã tổ chức nhiều hoạt động du lịch như chèo thuyền, đánh bắt cá...tạo ấn tượng cho du khách trong những lần về Gò Cỏ trải nghiệm.

Sa Huỳnh bây giờ đã lột xác không ngờ, bởi nơi ấy không chỉ có di sản, mà văn hóa làng còn vẹn nguyên. Du khách đến vẫn được người dân hướng dẫn đánh bắt cá bằng thuyền nan trên đầm An Khê hay trên sông Cửa Lỗ, vun đất trồng khoai hay ngồi đan lưới, làm bánh ít... Gò Cỏ cùng với hàng loạt địa điểm như Gò Ma Vương tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Cham pa, bia ký Vũng Bàng, hệ thống giếng Cham pa gồm 12 giếng, con đường xếp đá cổ, hệ thống mương dẫn nước cổ; địa điểm Đầm An Khê và lạch An Khê - sông Cửa Lỗ… tạo thành một hệ thống du lịch từ văn hóa cổ tới thiên nhiên và nghỉ dưỡng rất tiềm năng.

Không những thế, địa danh văn hóa Sa Huỳnh lại may mắn hội tụ đầy đủ những giá trị địa du lịch.Tất cả các mặt giao thông đường thủy, đường bộ và đường hàng không đều thuận lợi.

Sa Huỳnh bên làng, bên biển. Nếu từ trên cao nhìn xuống mới thấy được sức sống mới của Sa Huỳnh. Một bên, ruộng lúa xanh rì nhấp nhô, cò bay thẳng cánh, một bên, biển xanh dạt dào, êm êm từng nhịp sóng. Bên những dòng xe bon bon là những đoàn tàu ra khơi tung lưới, chở về bến cảng quê hương rộn rã những tiếng cười. 

Tin cùng chuyên mục
Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Phát triển không gian sinh hoạt chung của cộng đồng (Bài 3)

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Phát triển không gian sinh hoạt chung của cộng đồng (Bài 3)

Nhà văn hóa cộng đồng không chỉ là nơi hội họp sinh hoạt mà còn là không gian bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Việc thu thập thông tin về thực trạng nhà văn hóa ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, sẽ góp phần triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc về văn hóa hiện hành; đồng thời là một trong những cơ sở để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư ngày 27/11/2024.