Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngang qua miền ngõ đá

Tiêu Dao - 18:50, 31/05/2021

Có một miền quê ở lưng chừng vùng sơn cước, nơi có những ngõ đá, hàng rào đá, giếng đá, thậm chí là cả những ngôi nhà cổ bằng đá hằng trăm tuổi đã tạo nên một nếp làng yên bình mà độc đáo. Vùng quê xinh đẹp đó là làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Làng Lộc Yên với nét đẹp cổ kính, bình dị Ảnh: D.L
Làng Lộc Yên với nét đẹp cổ kính, bình dị. Ảnh: D.L

Ngõ đá miền sơn cước

Tọa lạc trong một thung lũng đẹp, được bao bọc bởi một phức hệ sông, suối, núi như sông Đá Giăng, suối An Sơn, đồi Đá Ràn Dàn, núi Bà Bướm, núi Bàn Mây, núi Rừng Cấm, núi Hố Chò, Vườn Mồ... xen giữa là  ruộng đồng, suối khe, làng Lộc Yên có những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những ngõ đá rêu phong ẩn mình dưới hàng cau thẳng tắp, xanh mướt được ví như tiên cảnh ở xứ Quảng Nam.

Đầu đường dẫn vào làng Lộc Yên, ông Nguyễn Như Hiên (70 tuổi) đang chỉnh sửa lại ngõ đá dẫn lên nhà. Ngõ đá dài hơn 70m được ông cẩn thận chất theo cách ngày xưa cha ông đã làm, nhưng nay kéo dài hơn, nối đến đường làng. Công phu, tốn kém, nhưng để giữ gìn nét đẹp riêng có của Lộc Yên, ông Hiên không ngần ngại bỏ công sức.

Vẻ đẹp của ngõ đá cổ kính, rêu phong tại làng cổ Lộc Yên.
Vẻ đẹp của ngõ đá cổ kính, rêu phong tại làng cổ Lộc Yên.

Khắp làng cổ này, hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính, yên bình và khỏe khoắn của những chiếc cổng, ngõ và cả những bức tường rào được “dệt” bằng đá. Những bức tường đá thẳng tắp, cao ngang tầm người, nhiều đoạn đã nhiều năm tuổi, phủ màu rêu phong. Không chỉ làm hàng rào, những bức tường đá còn làm nhiệm vụ ngăn chặn những khối đất bất chợt lở xuống, bảo vệ cho những ngôi nhà hay những mảnh ruộng, vườn rau nằm dưới chân núi.

Những hàng rào rêu phong, cỏ mọc xanh mướt mắt. Giữa buổi trưa hè, được đi dưới những hàng rào đá, phía trên là cây bàng, cây xoan tỏa bóng mát, lòng người như dịu lại. Những giếng nước lúc nào cũng trong vắt, được bao bọc bởi bức tường đá, tạo nên những khuôn viên vô cùng nên thơ. Con đường làng quanh co uốn lượn theo cánh đồng, theo chân núi cũng được lát bằng những phiến đá đã nhẵn bóng theo thời gian. Hai bên lối đi, những hàng cau xanh vươn lá, trổ những búp hoa lấm chấm trắng, rơi nhè nhẹ xuống đường làng, cảnh vật thật sự yên bình.

Cổng nhà rêu phong, cổ kính
Cổng đá rêu phong, cổ kính

Người dân nơi đây đã biết tận dụng những viên đá, có khi là những phiến đá bằng phẳng, vuông vức tạo nên những bức tường đá, cổng đá, ngõ đá vô cùng đặc biệt mà không cần bất kỳ một thứ vôi vữa nào kết dính. Qua thời gian, những bức tường đá, những chiếc cổng đá ấy vẫn đứng vững chãi.

Theo ông Hiên thì những chiếc cổng đá, ngõ đá và cả những con đường làng được lát bằng đá này đã có tuổi thọ hơn trăm năm, hễ chỗ nào hư hỏng là bà con lại tự tìm và xếp đá ngay ngắn vào ngay. Nhờ ý thức giữ gìn đó mà “tài sản” mộc mạc này đến nay vẫn tiếp tục được gìn giữ, mang lại một nét đẹp độc đáo và đặc trưng cho miền quê này.

Ngõ đá sạch đẹp, yên bình
Ngõ đá dẫn lên nhà rường cổ trầm mặc, rợp bóng cây đẹp như tranh vẽ.

Những con đường lát đá dẫn lên các nhà rường cổ trầm mặc, rợp bóng cây đẹp như tranh vẽ. Ở đó còn có những người dân quê thuần hậu, chất phác, giản dị, thật thà và vô cùng mến khách. Làng cổ còn có những phong tục, tập quán, lối sống thuần Việt, phong cách ứng xử ấm áp, thơm thảo và đôn hậu của người dân xứ Quảng đã làm nên một không gian văn hóa làng đặc sắc và thú vị.

Từ làng cổ hướng về du lịch xanh

Làng cổ Lộc Yên trên lưng chừng những quả đồi hình bát úp. Ở nơi đó, những ngôi nhà thường hướng ra những mảnh ruộng hẹp, thanh bình bên những vườn cây đầy tiếng chim, trong màu xanh mát của đất trời. Bụi đường dường như được rũ sạch, chỉ còn cảm giác bình yên và cảm giác ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mê hồn của cảnh trí đang bày ra trước mắt.

Ông Hồ Đức Tỉnh, Trưởng thôn Lộc Yên cho biết, làng cổ Lộc Yên hiện vẫn còn hơn 10 ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi, mang đậm lối kiến trúc nhà cổ truyền của người Quảng Nam xưa. Phía sau nhà tựa lưng vào núi vững chãi. Phía trước nhà nhìn ra ngõ đá sâu hun hút dẫn lối xuống vũng ruộng xanh ngút mắt. Không cầu kì mà tự nhiên, mỗi ngôi nhà chẳng khác nào một biệt thự. Những ngôi nhà cột gỗ, tường đá ba gian, hai chái với mái ngói âm dương ẩn mình trong những vườn cây xanh mướt... như giữ nguyên lối kiến trúc thuần Việt, đậm bản sắc vùng miền của người xứ Quảng xưa. Sân gạch rộng rãi, thoáng đãng, những hàng cau cao vút ôm lấy những lối đi bằng đá sâu hun hút, đẹp mắt chính là đặc trưng dễ nhận thấy ở những ngôi nhà cổ nơi đây.

Nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 150 năm vẫn được gìn giữ.
Nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 150 năm vẫn được gìn giữ.

Làng cổ Lộc Yên đã trên 200 tuổi. Những ngôi nhà rường mới nhất ở đây cũng khoảng 150 năm. Nhiều ngôi nhà đã trở nên nổi tiếng với lối kiến trúc, chạm khắc tinh xảo mang đậm phong cách đặc trưng của các nghệ nhân xưa, có thể kể đến như nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh, nhà ông Nguyễn Đình Mẫn, nhà ông Lê Đình Sum hay nhà ông Phạm Thoại, Hồ Đức Nam... Ở mỗi nhà, dù niên đại khác nhau nhưng đều có sự thanh thoát và cầu kỳ trong từng nét chạm trổ cũng như lối trang trí, sắp đặt bên trong. Nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh dù đã qua 150 năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, chống đỡ ngôi nhà là 16 cột cái to và 20 cột con bao bọc xung quanh; kèo, xuyên, trính được chạm khắc tinh tế, với đủ hình thù các loài chim muông độc đáo, cùng tùng lộc, mai điểu, bướm...

Đi qua các thôn ở làng cổ Lộc Yên, đâu đâu cũng thấy những bức tường đá, những chiếc cổng đá mang vẻ đẹp của thời gian. Con đường vào làng mới được láng bê tông nên tương đối bằng phẳng, còn lại những lối đi vào các xóm, ngõ đều quanh co, gấp khúc cùng những con dốc nhỏ ẩn hiện bên bờ đá cổ xưa.

Một hội thi mỹ thuật thiếu nhi được tổ chức ở làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Phước (Ảnh chụp tại thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)
Một hội thi mỹ thuật thiếu nhi được tổ chức ở làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Phước (Ảnh chụp tại thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)

Trước đây, thi thoảng vẫn có những đoàn khách trong nước và quốc tế tự tìm đến thăm, vãn cảnh ở làng. Dân làng sẵn lòng mời khách ghé thăm nhà. Nhưng bây giờ, làng cổ Lộc Yên ngày càng được nhiều du khách trên cả nước biết đến. Tìm đến làng cổ không chỉ tham quan, tìm hiểu mà còn là để mỗi người cảm nhận được không khí trong lành, không gian yên bình, xưa cũ mà giữa thời đại công nghiệp, đô thị hóa, điều đó dần trở nên hiếm hoi, xa xỉ.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch huyện Tiên Phước cho biết: “Năm 2019, Làng cổ Lộc Yên là một trong bốn làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Việc gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị độc đáo của ngôi làng cổ này gắn với việc phát triển du lịch là định hướng đúng đắn của Quảng Nam, có thể coi như một hình mẫu”. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả.

Làng cổ Lộc Yên nhìn từ trên cao (ảnh TL)
Làng cổ Lộc Yên nhìn từ trên cao (ảnh TL)

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó “vùng lõi” du lịch là làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận, huyện Tiên Phước xác định xu hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn, lấy không gian làng cổ Lộc Yên làm điểm nhấn. Đồng thời, kết hợp phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, như: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ, dó trầm, rượu lòn bon, nông sản, cây trái của Tiên Phước (thanh trà, lòn bon, tiêu, mít, thơm...)

Việc bảo tồn và phát triển làng cổ Lộc Yên sẽ góp phần khai phá tiềm năng du lịch địa phương, cải thiện đời sống người dân nơi đây, biến du lịch trở thành động lực cho sự phát triển của vùng đất này.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.