Mất dần bản sắc
Với người Raglai, nhà dài là hồn cốt, là không gian văn hóa không thể thiếu bao đời. Ở nơi đó từng ghi dấu bao nghi lễ, bao đêm hát Ma Diêng thâu đêm, suốt sáng. Vậy mà giờ đây, cả huyện miền núi Khánh Vĩnh, hầu như đã vắng bóng nhà dài truyền thống, thay vào đó là những căn nhà cấp 4 mái tôn. Không còn nhà dài, đời sống tinh thần của người Raglai dường như cũng bị nghèo đi.
Theo anh Pi năng Lydin, cán bộ văn hóa xã Khánh Thượng, cả xã có hơn 2.000 người Raglai nhưng không còn một căn nhà dài nào cả. Bản thân người dân từ lâu cũng chẳng mặn mà với những nếp nhà sàn được làm từ lồ ô và lá cọ. Giờ muốn tổ chức lễ hội, muốn được nghe hát Ma Diêng cũng làm gì có không gian. “Lâu lắm rồi không còn thấy ama, away quây quần bên bếp than hồng kể chuyện xưa cho các cháu. Muốn lưu giữ những gì của cha ông để lại lắm nhưng lực bất tòng tâm”, anh Pi năng Lydin ngậm ngùi.
Không chỉ mất đi nếp nhà dài mà vị tapai (rượu cần) của người Raglai cũng dần phai nhạt. Nếu lúa rẫy được xem là “hạt ngọc” của trời, thì tapai chính là hiện thân của sự kết tinh trời đất.
Theo thông lệ, khi những hạt lúa đầu tiên chín vàng, người Raglai thu hoạch về để ủ rượu cần chia vui cùng bà con thôn làng và dâng lên tổ tiên. Thế nhưng hiện nay, hầu như không thấy ai làm tapai. Một vị già làng ở Khánh Thượng chia sẻ, mấy năm nay, già không làm nhiều rượu nữa. Bọn trẻ nó có thèm uống đâu. Ngày Tết đứa nào cũng mua bia uống cho mát, ngày thường thì mua rượu uống cho tiện. Chắc năm nay chỉ làm một ché để dâng tổ tiên thôi.
Nỗi lo của người già...
Không chỉ lo về nhà dài, không chỉ sợ nhạt hồn tapai, những người già còn trăn trở mãi về tiếng mã la. Ngày xưa, gia đình có điều kiện đều có một bộ, nhưng bây giờ cả vùng chỉ còn vài bộ đạt âm vực chuẩn theo truyền thống. Tiếng mã la giờ cũng thưa dần trong cuộc sống. Chỉ những dịp lễ, Tết, những người lớn tuổi mới tụ họp, ngân lên điệu mã la, nhấp môi ché rượu cần nhưng dường như mã la cũng hiểu được lòng người già, không còn vui tươi như ngày xưa nữa.
Ama Xà Nga (thôn Giang Biên, xã Sơn Thái) bộc bạch: Giờ tụi trẻ nó không thích nghe cái này nữa, đi khắp nơi chỉ thấy nhạc trẻ, nhạc nước ngoài. Hầu như chẳng ai chơi ngoài chúng tôi. Tục lệ, nghi thức xưa cũng mai một nhiều rồi.
Còn away Pi Năng Thị Thi ở thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng đang lo lắng mai này không còn ai biết hát Ma Diêng. Away Thi tâm sự: Có lẽ, những điệu hát này, sau này sẽ không ai hát nữa, khi lứa con cháu không mấy mặn mà với lời hát xưa.
Nỗi buồn của các ama, away cũng là lo lắng chung của nhiều người Raglai và ngành Văn hóa huyện Khánh Vĩnh. Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Vĩnh cho hay: Công tác bảo tồn nền văn hóa Raglai vẫn còn nhiều khó khăn, dù các kế hoạch, đề án bảo tồn đã được xây dựng. Số lượng nghệ nhân dân gian không còn nhiều; cán bộ phụ trách văn hóa các địa phương thường điều động vị trí khác khi đủ thời gian công tác... Việc tổ chức các lễ hội, nghi lễ hiện chỉ mang tính tự phát trong người dân, cơ quan chức năng chỉ có thể tôn tạo, khuyến khích thêm. Khi thế hệ kế cận không còn muốn tiếp nối nữa, e rằng những nỗ lực bảo tồn cũng “lực bất tòng tâm”.
Công tác bảo tồn nền văn hóa Raglai vẫn còn nhiều khó khăn, dù các kế hoạch, đề án bảo tồn đã được xây dựng. Số lượng nghệ nhân dân gian không còn nhiều; cán bộ phụ trách văn hóa các địa phương thường điều động vị trí khác khi đủ thời gian công tác... Việc tổ chức các lễ hội, nghi lễ hiện chỉ mang tính tự phát trong người dân, cơ quan chức năng chỉ có thể tôn tạo, khuyến khích thêm. Khi thế hệ kế cận không còn muốn tiếp nối nữa, e rằng những nỗ lực bảo tồn cũng “lực bất tòng tâm”.
Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Vĩnh