Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tự hào bản sắc văn hóa Cao Lan

PV - 10:44, 01/07/2021

Người Cao Lan ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu ở hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới mà đồng bào Cao Lan còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo.

Người Cao Lan thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) duy trì hát Sình Ca.
Người Cao Lan thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) duy trì hát Sình Ca.

Nhắc đến dân tộc Cao Lan, người ta nhớ ngay đến làn điệu Sình ca đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Họ tự hào rằng, ở đâu có người Cao Lan, ở đó Sình ca. Về cơ bản, Sình ca Cao Lan bao gồm các thể loại: Hát mừng năm mới, giao duyên, hát đám cưới, hát đố, hát ru, ca ngợi sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Qua những làn điệu dân ca này, người Cao Lan gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh… Ngoài những bài được truyền lại, người Cao Lan còn có thể hát ngẫu hứng, sáng tạo ra những bài dân ca mới, phản ánh cuộc sống của người dân, ca ngợi Đảng, Nhà nước và Bác Hồ.

Cùng với Sình ca, người Cao Lan còn giữ được nhiều điệu múa truyền thống như múa còn, múa xúc tép, mùa cờ, múa cầu muà… Các điệu múa đều tái hiện lại quá trình lao động, sản xuất hàng ngày nhưng được biến tấu sinh động và hấp dẫn nhờ sự kết hợp nhịp nhàng tiếng nhạc, trống và sự uyển chuyển hình thể của người biểu diễn. Các điệu múa hết sức sôi động, vui nhộn nên thu hút người xem, biểu diễn. Các điệu múa không hạn chế về số lượng, tuổi tác và giới tính nên mỗi dịp tổ chức múa đều tạo sự vui tươi, phấn khởi và thu hút đông người biểu diễn.

Cùng với lời ca, tiếng hát, điệu múa, bản sắc văn hóa độc đáo của người Cao Lan còn thể hiện ở trang phục truyền thống. Trang phục nam thường có màu chàm hoặc đen. Trang phục nữ: Áo dài, từ ngang ngực thường là màu đỏ hoặc nâu, phần dưới xanh chàm hoặc đen. Ngoài áo là chiếc thắt lưng bằng vải được thắt nút ở ngang hông, hai đầu thắt lưng buông dài ngang chiều dài áo. Đầu đội khăn vuông hoặc dài, hai dải khăn thường được cuốn lật về phía sau. Hoa văn trên trang phục của người Cao Lan cũng rất đa dạng, có hoa trám, hình lục lăng, thậm chí dệt chữ… tùy theo nhu cầu và sở thích của mỗi người. So với các dân tộc khác, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cao Lan mộc mạc, đơn giản, song cũng có rất nhiều nét đặc trưng riêng đó là sự kết hợp giữa hai màu chủ đạo đen, đỏ.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều xã có đồng bào Cao Lan sinh sống đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Không chỉ biểu diễn vào dịp lễ, tết các câu lạc bộ còn truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cũng như truyền nghề làm trang phục truyền thống cho lớp trẻ. Nhờ vậy, mà bản sắc văn hóa của người Cao Lan đã và đang được lưu giữ, phát triển trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.