Hiện nay hầu hết vùng đồng Cao Lan vẫn còn lưu giữ được những bộ tranh thờ này và chủ yếu là ở trong tay những người thầy cúng – trưởng họ tộc.
Nghệ thuật thể hiện trên các bức tranh được các đánh giá cao về bố cục, đường nét, màu sắc, mang đậm phong cách dân gian cổ. Một số gam màu khá độc đáo mà nhiều họa sĩ đánh giá là khó có thể bắt chước cách pha màu được. Những hình tượng (hình vẽ) trong tranh phản ảnh khá đầy đủ những dạng thức tư tưởng tâm linh thuộc về thượng tầng kiến trúc của cộng đồng dân tộc. Mỗi bức tranh đều thể hiện từ 3-5 tầng ý thức: thượng, trung, hạ và cõi âm ty hướng con người đến cái thiện, cái công bằng, răn đe trị tội ác, thói hư tật xấu.
Điển hình như tranh “Thánh sư” bằng chữ Hán. Bức họa được bố cục hai tầng. Tầng trên là vị Sư tổ ngồi nghiêm trang, ở tư thế ngồi giảng bài, tay cầm bút lông, phía trước mặt là quyển sách, có bốn môn đệ hầu cận. Tầng dưới là vị thầy dạy ở trình độ thấp hơn. Người Cao Lan quan niệm công việc ở trên đời đều phải có thầy dạy mới làm nên. Do vậy tất cả những người biết chữ, biết cúng đều phải lập bàn thờ Thánh sư. Với người thày dạy mình thì phải sống thiết chết giỗ.
Không chỉ đề cao sự học, người Cao Lan còn khuyên răn con cháu phải sống theo luật pháp, được thể hiện rõ trong bộ tranh “Công pháp”. Bức tranh có bốn bức miêu tả các vị thần trong coi về pháp luật. Bức tranh nhằm răn dạy người Cao Lan về lẽ sống, về tôn ti trật tự trong đời sống xã hội, đề cao thượng tôn pháp luật.
Cùng với bộ “Công pháp” thì bức tranh “Thần Bưu tá” cũng vô cùng độc đáo, ý nghĩa. Bức tranh được bố cục theo hình ríc rắc ngụ ý miêu tả con đường từ dưới đất lên thiên đàng. Các thần Bưu tá cưỡi ngựa, cưỡi rồng, hổ, phượng hoàng tiếp nhau đưa tấu sở lên Ngọc Hoàng. Họ mong muốn những điều tấu sẽ được Ngọc Hoàng xem xét giải quyết để cuộc sống của họ được tốt đẹp hơn.
Tranh thờ của người Cao Lan còn có các bức tranh thờ Gia tiên, tranh thờ Phật Bà Quan Âm, thần núi, thần sông, thần thiên lôi, thần văn nghệ… Tất cả các bức tranh đều mang yếu tố tâm linh giáo huấn răn dạy người đời phải học hành, phụng sự tổ tiên, sống có luật pháp, có trên có dưới, vươn tới cái thiện, cái đẹp, cái cao cả.
Một số bức còn thể hiện cuộc sống, sinh hoạt, lao động, chăn nuôi gia súc, gieo trồng như: tranh “Thần Nông”, bức “Địa Niệm”… Bức “Thần Nông” - ông Thần Nông có thân hình khỏe mạnh, đóng khố, tay phải cầm “mặt nhật” giơ lên, tay trái cầm “mặt nguyệt” phía trước bụng ngụ ý chỉ người điều hành thời gian đêm – ngày. Phía dưới bức tranh là hình hai người (một nam, một nữ) chọc lỗ, tra hạt lúa trên nương và mấy người đang cày bừa cấy lúa dưới ruộng. Còn tranh “Địa Niệm” thể hiện vị thần Đất đai ngồi ở tư thế nghiêm nghị đưa hai tay như đang giảng giải cho dân chúng phải quý trọng đất đai và phải biết tận dụng nguồn tài nguyên này để tăng gia sản xuất, đầy lùi đói nghèo.
Tranh thờ của người Cao Lan thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa đạo Phật, Nho giáo, đạo Giáo… biểu tượng ý thức tâm linh mang tính giáo huấn cao, không huyền bí. Sắc màu, hình tượng trong tranh đậm nét dân gian, gần gũi với cuộc sống đời thường.