Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người nghệ nhân tâm huyết với văn hóa Cao Lan

Văn Hoa - 11:39, 25/10/2020

Hàng chục năm tâm huyết sưu tầm, nghiên cứu, gìn giữ bản sắc văn hóa của người Cao Lan (thuộc dân tộc Sán Chay), với trách nhiệm và niềm đam mê, nghệ nhân Ưu tú Hoàng Giang Lâm, 58 tuổi, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Nghệ nhân Hoàng Giang Lâm (người cầm Mic) trong buổi truyền dạy dân ca, dân vũ Cao Lan
Nghệ nhân Hoàng Giang Lâm (người cầm Mic) trong buổi truyền dạy dân ca, dân vũ Cao Lan

Trò chuyện với chúng tôi dưới nếp nhà sàn truyền thống, xung quanh treo những bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Giang Lâm mải miết nói về hành trình đi sưu tầm văn hóa dân tộc của mình. Ông chia sẻ, chỉ nghe tin ở đâu có người am hiểu về văn hóa truyền thống Cao Lan, bất kể ở tỉnh nào, xa hay gần là ông liền một mình đi xe máy đến sưu tầm. Ông đã đi qua nhiều tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang… Không biết sử dụng máy tính, ông tự ghi chép bằng tay, tổng hợp và thuê người đánh máy lại.

Trong quá trình sưu tầm, ông Lâm gặp không ít khó khăn bởi người biết về văn hóa Cao Lan không còn nhiều, còn lớp trẻ lại không đọc được chữ Nôm Cao Lan cổ. Có lần nhận được thông tin, phải vài tháng sau ông mới thu xếp đi được, đến nơi thì người biết đã qua đời, thế là lại một chuyến đi không công.

Nội dung sưu tầm của ông khá phong phú, điều gì thể hiện nét đẹp truyền thống người Cao Lan thì ông đều ghi lại. Sau gần 30 năm ròng rã, ông đã sưu tầm nhiều tác phẩm như: Nhà xe chở người chết của người Cao Lan; lễ cấp sắc; tục đặt tên thánh; hát sình ca Cao Lan… Trong nghệ thuật hát sình ca của người Cao Lan có 12 đêm hát. Đến nay, ông đã sưu tầm đến đêm thứ 7. Sắp tới ông sẽ tiếp tục lên Yên Bái để sưu tầm đêm thứ 8…

Những tác phẩm của ông đều viết tay, dạng tư liệu, in và phát miễn phí cho những ai quan tâm đến văn hóa Cao Lan. Rất tiếc là các tác phẩm của ông Lâm chưa được in dạng sách. Trong thời gian tới, ông dự định sẽ xuất bản cuốn “Văn hóa người Cao Lan ở Vĩnh Phúc”.

Ngoài biên dịch và sưu tầm về văn hóa Cao Lan, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Giang Lâm cũng tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả cho Câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ của người Cao Lan thôn Xóm Mới. Từ năm 2010, phong trào khôi phục văn hóa Cao Lan được các cấp chính quyền ủng hộ, đồng hành, ông có thêm động lực để làm công việc yêu thích của mình.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Giang Lâm cùng vợ trong trang phục truyền thống dân tộc Cao Lan
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Giang Lâm cùng vợ trong trang phục truyền thống dân tộc Cao Lan

Là Nghệ nhân Ưu tú, ông Hoàng Giang Lâm đã tích cực tuyên truyền, vận động người trong gia đình, bà con người Cao Lan bảo tồn văn hóa của dân tộc. Ông luôn trăn trở suy nghĩ, tuổi đã cao, phải dành thời gian truyền dạy, sưu tầm lại cho lớp trẻ vì nếu để văn hóa truyền thống mất đi, là có lỗi với tổ tiên.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Giang Lâm cho biết, ông sẽ cố gắng hoàn thiện phần còn lại của ngôi nhà Cao Lan truyền thống như: Xây dựng thêm các công trình phụ trợ, trồng cây, sưu tầm các hiện vật, dụng cụ sinh hoạt… để nơi đây sẽ là điểm tụ họp của giới văn nghệ sĩ, của người yên mến văn hóa Cao Lan và đặc biệt là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân tộc Cao Lan.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.