Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thúc đẩy xuất khẩu lao động sau đại dịch Covid-19: Khẩn trương nhưng phải thận trọng

Sỹ Hào - 09:39, 29/06/2020

Khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu lao động (XKLĐ) để đạt mục tiêu đưa 130 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện chỉ tiêu thì quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an toàn cho lao động.

XKLĐ được xác định là một trong những giải pháp giải quyết việc làm hiệu quả. (Ảnh minh họa)
XKLĐ được xác định là một trong những giải pháp giải quyết việc làm hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Nhiều rào cản

Từ tháng 6/2020, công tác XKLĐ khởi động lại sau thời gian tạm ngừng vì dịch bệnh. Bắt đầu cho sự trở lại là hội nghị với sự tham gia đông đủ đại diện các sở, ngành, địa phương, trường nghề, doanh nghiệp. 

Đây là những hoạt động kịp thời để cụ thể hóa yêu cầu của Bộ Chính trị. Trong Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid- 19, một trong những nhiệm vụ được Bộ Chính trị yêu cầu là các cấp ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người LĐ sớm quay trở lại thị trường. 

Tuy nhiên, việc khởi động lại công tác XKLĐ đang đối diện rất nhiều rào cản, cả từ phía đối tác cũng như doanh nghiệp được cấp phép đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là những thị trường chính, chiếm đến 80% trong tổng số lao động của nước ta ra nước ngoài làm việc. 

Thông thường, vào thời điểm này hằng năm, việc tuyển dụng và xuất cảnh sang các thị trường này rất sôi động. Nhưng năm nay, các đơn hàng đều sụt giảm. Chỉ tính thị trường Nhật Bản, hiện hơn 300 doanh nghiệp được cấp phép đưa LĐ đi làm việc, nhưng do tác động từ dịch bệnh nên đang tạm dừng các đơn hàng hầu hết các doanh nghiệp. 

Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho thấy, trong quý I/2020, nước ta có khoảng 32.062 LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, sang tháng 4 và 5, chưa có LĐ nào của Việt Nam được xuất cảnh. Các thị trường của Việt Nam hiện cũng chưa mở cửa tiếp nhận trở lại. Dự kiến trong thời gian tới, thị trường LĐ vẫn chưa thể nối lại do phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch của nước tiếp nhận.

An toàn là trên hết

Những năm qua, nhiều địa phương đều xác định XKLĐ là con đường giải quyết việc làm hiệu quả, nên rất chú trọng công tác này. Nhưng với thực tế như hiện nay, các địa phương rất lo lắng không hoàn thành chỉ tiêu năm nay.

Theo kế hoạch của ngành LĐTB&XH, trong năm 2020 sẽ đưa 130 nghìn LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Nếu không vì dịch bệnh thì mục tiêu này là hoàn toàn khả thi; bởi năm 2019, ngành đã đưa được 165 nghìn LĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Ngay bản thân những LĐ đang chờ xuất cảnh cũng lo lắng. Bởi nhiều gia đình có con em đi XKLĐ đều phải vay ngân hàng. Nhưng thời gian xuất cảnh phải lùi lại, thậm chí chưa biết bao giờ được đi, trong khi ai cũng mong sớm ổn định công việc còn có tiền gửi về trả nợ.

Do đó, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế ở trong nước, ngành LĐTB&XH và các địa phương đã khẩn trương khởi động lại công tác XKLĐ. Điều này là hoàn toàn phù hợp, cần thiết, nhưng quan trọng nhất là vẫn bảo đảm an toàn cho LĐ. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động khảo sát thị trường, ngành LĐTB&XH cùng chính quyền các địa phương cần “khoanh vùng” những LĐ đang chờ xuất cảnh, phải vay vốn ngân hàng để có chính sách hỗ trợ kịp thời. Việc thông tin, tuyên truyền chính sách về XKLĐ vẫn tiếp tục được thực hiện.

Trong thời gian chững lại này, các địa phương cần tập trung đào tạo cho người LĐ về trình độ tay nghề, ngoại ngữ để có một lực lượng LĐ chất lượng, khi đủ điều kiện thì có thể cung ứng đủ LĐ cho những thị trường có yêu cầu cao.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.