Trong chuyến làm việc tại châu Âu hồi cuối tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với Bulgaria và Rumani. Các biên bản này đã mở ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại châu Âu. Chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50 nghìn lao động ở 6 lĩnh vực: Xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng.
Ngoài ra, trong năm 2019, Thượng viện Nhật Bản đã chính thức thông qua dự luật quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi. Theo đó, trong 5 năm tới, ước tính Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 lao động nước ngoài làm việc trong những ngành nghề là thế mạnh của Việt Nam như: Nông nghiệp, chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô và hàng không… Đối tượng tiếp nhận là người lao động thuộc nhiều trình độ, không còn hạn chế trong nhóm thực tập sinh thực tập kỹ năng.
Không chỉ rộng mở trên thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực hoàn thiện cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho lao động xuất khẩu. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục này sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác hoàn thiện chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, hoàn thiện hồ sơ xây dựng và phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, trình nội dung về Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Song song với việc ổn định và mở thêm những thị trường xuất khẩu lao động mới, Cục tiếp tục mở rộng những ngành nghề mới, nhất là những ngành nghề có nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật.
Một giải pháp khác được ông Liêm nhấn mạnh là việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của bộ, cục và các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách, quy định mới của Việt Nam cũng như các nước tiếp nhận, thông tin giới thiệu về các chương trình tuyển dụng mới và nhu cầu của các thị trường tiếp nhận lao động.
Ngoài ra, Cục cũng sẽ tổ chức nhiều khóa tập huấn, thông tin những quy định mới về pháp luật liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho cán bộ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cán bộ địa phương làm công tác này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
THIÊN ĐỨC