Hỗ trợ đồng bào DTTS đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài theo hợp đồng nằm trong chiến lược giải quyết việc làm quốc gia, thông qua hợp tác quốc tế. Đây được đánh giá là đòn bẩy để giảm nghèo cho các địa phương có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao, sinh kế thiếu bền vững.
Tăng cường hợp tác để giải quyết việc làm
Chủ trương đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tại Nghị quyết số 362-CP ngày 29/11/1980, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã nhận định: “Thông qua việc hợp tác này, ta có thể giải quyết việc làm và đào tạo nghề nghiệp cho một bộ phận thanh niên ta trong điều kiện các cơ sở kinh tế trong nước chưa thu hút được hết”. Nghị quyết 362-CP cũng xác định, thông qua hợp tác sử dụng lao động nhằm đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển nền kinh tế nước ta.
Thực hiện chủ trương này, công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước. Quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động – việc làm của nước ta liên tục được mở rộng. Từ bốn nước ban đầu (Liên Xô, Đông Đức, Bungari và Tiệp Khắc), đến nay, thị trường lao động xuất khẩu của Việt Nam mở rộng tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hơn 30 ngành nghề.
Số lao động đi xuất khẩu của nước ta cũng tăng lên theo từng giai đoạn. Từ 1980 đến 1990, theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hơn 300 nghìn lao động Việt Nam đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài; giai đoạn 1991 – 2000, dù đang trong thời kỳ tìm kiếm thị trường mới nhưng cũng đã có khoảng 160 nghìn lao động xuất cảnh; đến giai đoạn 2000 – 2007, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên hơn 500 nghìn người.
Từ 2007 đến nay, cả nước đã có hơn 1 triệu lượt lao động xuất cảnh (hiện có khoảng 600 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài). Chỉ tính trong 7 tháng năm 2022, đã có hơn 41 nghìn lượt lao động đã xuất cảnh; mục tiêu của cả năm 2022 là đưa khoảng 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
XKLĐ từng bước trở thành một hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng; lượng kiều hối trong lĩnh vực này tăng mạnh theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1980 – 1990, kiều hối từ XKLĐ đạt 800 tỷ đồng và 300 triệu USD; giai đoạn 1991 – 2000 đạt 500 triệu USD; giai đoạn 2000 – 2007 đạt 1,5 – 2 tỷ USD; từ năm 2007 đến nay đạt 3 – 4 tỷ USD.
Đặc biệt, theo đánh giá của ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chiếm 7 - 9% tổng số người được giải quyết việc làm mỗi năm, giúp giảm sức ép tạo việc làm cho lao động trong nước. Công tác XKLĐ cũng góp phần quan trọng để đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho lao động Việt Nam.
Không bỏ ai lại phía sau
Từ những kết quả đạt được trong công tác XKLĐ chung của cả nước, chủ trương hỗ trợ đưa lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được đặt ra. Việc này không chỉ góp phần giải quyết việc làm, đẩy nhanh tiến trình xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng lao động ở vùng “lõi nghèo” của cả nước.
Theo khảo sát của Bộ LĐTB&XH, cuối năm 2006, cả nước có 61 huyện (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Tại 61 huyện này, có khoảng 2,4 triệu người sinh sống, trong đó trên 90% là đồng bào DTTS, sống phân tán, thu nhập thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/người/năm) chủ yếu từ nông nghiệp nhưng trình độ sản xuất còn lạc hậu; cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa kém; thu ngân sách trên địa bàn mỗi huyện bình quân 3 tỷ đồng/năm.
Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách nhận định, XKLĐ là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo nhanh cho các địa bàn này. Tuy nhiên, để đưa lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài là rất gian nan; bởi lao động không có kỹ năng, không có vốn liếng, đọc thông viết thạo còn khó chứ nói gì đến ngoại ngữ,… Nếu không có chính sách hỗ trợ thì việc đưa lao động người DTTS ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài là “bất khả thi”.
Trên cơ sở này, Bộ LĐTB&XH đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo. Trong Nghị quyết này, chính sách hỗ trợ lao động người DTTS đi XKLĐ đã được đặt ra.
Triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 29/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” (gọi tắt là Đề án 71). Mục tiêu của Đề án 71 là bình quân mỗi năm sẽ đưa khoảng 10 nghìn lao động tại 61 huyện nghèo đi XKLĐ; trong đó có 80 – 95% lao động thuộc hộ nghèo, hộ DTTS.
Đề án 71 được xem là cơ hội cải thiện đời sống của hộ nghèo, hộ DTTS ở 61 huyện nghèo. Bởi khi tham gia, lao động sẽ được thụ hưởng nhiều cơ chế ưu đãi để đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài. Đó là lao động sẽ được bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa thông qua khóa học 12 tháng. Trong thời gian học, lao động được hỗ trợ toàn bộ học phí, tài liệu học tập, sách giáo khoa, vở viết; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học, tiền tàu xe và trang cấp ban đầu như chế độ áp dụng đối với học sinh trong các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Ngoài ra, Đề án 71 còn hỗ trợ người lao động học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, viza và lý lịch tư pháp để tham gia XKLĐ. Riêng với lao động thuộc hộ nghèo, người DTTS còn được hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học với mức 40 nghìn đồng/người/ngày; tiền ở với mức 200 nghìn đồng/người/tháng; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu cho người lao động (quần áo đồng phục, chăn màn, giày dép …) với mức 400 nghìn đồng/người;…
Đặc biệt, để khuyến khích lao động người DTTS đi XKLĐ, Đề án 71 còn quy định chính sách cho vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Lao động được vay theo nhu cầu, tối đa bằng các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo từng thị trường; lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi XKLĐ.
Chính sách hỗ trợ XKLĐ theo Đề án 71 là quyết sách kịp thời, đồng thời cũng thể hiện tính nhân văn sâu sắc, quyết “không bỏ ai lại phía sau” trong lĩnh vực lao động – việc làm nói riêng, lĩnh vực giảm nghèo nói chung của Đảng, Nhà nước ta. Chính sách được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương thúc đẩy XKLĐ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là hoàn toàn đúng đắn, không chỉ đem lại thu nhập cho lao động người DTTS mà còn tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực lao động – việc làm ở địa bàn này. Bởi khi tham gia XKLĐ, lao động người DTTS sẽ hướng tới mục tiêu “đi làm thợ, về khởi nghiệp”.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.