Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em vùng cao- Cần quá trình tác động liên tục và lâu dài

Băng Ngân - Trương Vui - 13:20, 06/11/2023

"Để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của một con người, một thế hệ, đặc biệt là những gì đã ăn sâu vào đời sống hàng ngày của cộng đồng không phải là điều dễ dàng. Do đó, đòi hỏi một quá trình tác động liên tục, mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều hình thức, những tấm gương thực tế.", bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhìn nhận về kết quả thực hiện Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai rà soát tiến độ thực hiện Dự án 8 và định hướng hoạt động năm 2024 (Ảnh: Hội LHPN Việt Nam)
Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai rà soát tiến độ thực hiện Dự án 8 và định hướng hoạt động năm 2024 (Ảnh: Hội LHPN Việt Nam)

Triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện  Chương trình MTQG 1719, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) được giao chủ trì Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. 

Dự án 8 là dự án đặc thù về giới được đưa vào Chương trình MTQG 1719, nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng phụ nữ và trẻ em DTTS, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.

Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, thời gian qua, Hội đã bám sát chỉ tiêu Chính phủ giao, triển khai thực hiện 4 nội dung trọng tâm của Dự án, gồm: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép bình giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và Người có uy tín trong cộng đồng.

Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN VN
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN VN chia sẻ thông tin tại buổi Tọa đàm "Ra khỏi màn sương" do Bảo tàng Phụ nữ tổ chức

Đến nay, Hội đã tập trung tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Dự án cho cán bộ Trung ương Hội, cán bộ một số Bộ, ngành tham gia thực hiện Dự án; phát hành 12 tài liệu hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động trong dự án, các tài liệu truyền thông, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nhằm vận động toàn xã hội chung tay vì sự phát triển của phụ nữ, trẻ em vùng miền núi và DTTS.

Đồng thời, Hội đã triển khai các mô hình, hoạt động của Dự án tại 8 xã chỉ đạo điểm; ký kết kế hoạch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai các nội dung của Dự án, trong đó chú trọng phối hợp lồng ghép giới vào chương trình giáo dục các cấp học phổ thông (Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT) và phối hợp triển khai CLB “thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai một số nội dung hoạt động của Dự án; tập trung hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong triển khai Dự án thông qua các cuộc giám sát, làm việc trực tiếp tại địa phương, tổ chức hội nghị trực tuyến đến cấp huyện và đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp.

Kết quả bước đầu

Sau 3 năm thực hiện Dự án 8, Hội cơ bản đảm bảo tiến độ, nhiệm vụ và đã đạt một số kết quả bước đầu ở từng nội dung. Các hoạt động của Dự án bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em DTTS, miền núi và nhận được sự quan tâm của Nhân dân.

Cụ thể, tại các tỉnh, thành địa bàn Dự án 8 đã thành lập 2.854/9000 Tổ truyền thông cộng đồng, 366/1800 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, 20/500 tổ nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý, 388/1000 địa chỉ tin cậy, 154/4400 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, 283/1600 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ thôn bản, 96/480 cuộc tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ huyện xã, 192/1600 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp thôn, bản…

Tính đến 30/5/2023, 366/1.800 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã được thành lập
Tính đến 30/5/2023, 366/1.800 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã được thành lập

Cũng theo bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, hiện nay, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi vào triển khai nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt là công tác truyền thông với nhiều kênh thông tin đa dạng. Do đó, trong quá trình thực hiện Dự án, Hội cũng tận dụng hiệu quả những cơ hội và điều kiện cơ sở vật chất kèm theo để triển khai các nội dung, truyền tải các sản phẩm truyền thông đến từng nhóm phụ nữ vùng đồng bào DTTS, ứng với những đặc điểm văn hoá riêng biệt.

“Thông qua việc triển khai Dự án, chúng tôi mong muốn lan toả những năng lượng tích cực, những điều tốt đẹp đến đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là chị em phụ nữ và trẻ em gái”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Cần quá trình tác động liên tục và lâu dài

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Tôn Ngọc Hạnh cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của Hội trong triển khai Dự án. Cụ thể, về các văn bản hướng dẫn, do được ban hành sớm trong thời gian dịch bệnh diễn ra, nên chưa lường hết được một số vấn đề thực tiễn. Một số định mức chi tiêu còn thấp so với yêu cầu triển khai và duy trì các mô hình của Dự án; một số nội dung quy định chưa thực sự rõ ràng khiến các cơ quan tham gia thực hiện Dự án tại địa phương còn bối rối, vướng mắc, chưa thống nhất cách hiểu trong áp dụng triển khai…

Cùng với đó, rào cản về phong tục tập quán, văn hoá, ngôn ngữ, tiếng nói khi làm công tác truyền thông trong đồng bào DTTS cũng là một vấn đề cần lưu ý, để các thông điệp được truyền tải hiệu quả đến từng cộng đồng.

Hội nghị triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Hội nghị triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Bà Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, bước đầu chưa thể đánh giá rõ ràng hiệu quả thực hiện dự án, do công tác thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của một con người, một thế hệ, đặc biệt là những gì đã ăn sâu vào đời sống hàng ngày của cộng đồng không phải là điều dễ dàng. Do đó, đòi hỏi một quá trình tác động liên tục, mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều hình thức, những tấm gương thực tế.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục chủ động, đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu chính của Dự án. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Dự án theo định hướng của Trung ương và các văn bản hướng dẫn của Chương trình, đảm bảo việc thực hiện Dự án 8 hiệu quả, đúng tiến độ.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi: Những vấn đề đặt ra từ Dự án 8: Thay đổi cách tiếp cận cùng lộ trình dài hơi (Bài cuối)

Thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi: Những vấn đề đặt ra từ Dự án 8: Thay đổi cách tiếp cận cùng lộ trình dài hơi (Bài cuối)

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu cốt lõi của Dự án. Tuy nhiên, mục tiêu của Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới mà còn hướng đến việc chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em DTTS tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, cần có sự quan tâm giải quyết có hệ thống thì mới có hiệu quả lâu dài, bền vững.