Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện các Chương trình MTQG sau sắp xếp đơn vị hành chính: Không để khoảng trống về tiến độ giải ngân

Minh Anh - 16:50, 28/05/2025

Năm 2025 là năm cuối thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn từ năm 2021-2025. Trong 9 nhóm mục tiêu thì còn 3 nhóm mục tiêu chưa đạt và tỷ lệ giải ngân các Chương trình còn thấp, đặc biệt đến ngày 1/7 sẽ bỏ các đơn vị hành chính cấp huyện, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy làm thay đổi chủ thể thực hiện, cũng như đối tượng, địa bàn thụ hưởng chính sách. Để đảm bảo việc triển khai các Chương trình MTQG không bị gián đoạn, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo việc giải ngân các Chương trình nhằm hoàn thành 9/9 mục tiêu đã đề ra.

Các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân các Chương trình MTQG
Các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân các Chương trình MTQG

Tốc độ giải ngân còn chậm

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho 3 chương trình MTQG là 102.000 tỷ đồng (100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương bố trí đạt gần 97.900 tỷ đồng).

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 4/2025, tiến độ giải ngân vốn của các Chương trình MTQG trên cả nước vẫn chậm. Cụ thể, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi mới đạt 16% kế hoạch (gần 2.695 tỷ đồng), Chương trình giảm nghèo bền vững đạt 18% (hơn 793 tỷ đồng), còn Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 23% (hơn 4.285 tỷ đồng).

Trong số 9 nhóm mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, có 6 nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS; thu nhập bình quân; giáo dục; lao động qua đào tạo nghề; bảo tồn, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; tăng cường công tác y tế.

Ba nhóm mục tiêu chưa đạt: Cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; giảm số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.

Riêng trong năm 2025, tổng dự toán, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương dành cho 3 Chương trình MTQG là hơn 53.500 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng đã giao gần 30.400 tỷ đồng (gồm gần 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, 8.400 tỷ đồng kinh phí thường xuyên). Ước đến hết tháng 3/2025, các địa phương giải ngân 3.836 tỷ đồng vốn đầu tư công Trung ương (đạt 16%); kinh phí thường xuyên đạt 323 tỷ đồng (đạt 1,8%).

Hiện nay một số nội dung thuộc 3 Chương trình MTQG chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Một số nội dung hỗ trợ của 2 Chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi không còn đối tượng triển khai hoặc định mức hỗ trợ còn thấp.

Khơi thông điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân

Trong những tháng đầu năm 2025, các bộ ngành, địa phương tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức nên việc giải ngân vốn 3 Chương trình MTQG còn chậm. Hiện nay, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp như Khánh Hòa, Gia Lai, Cao Bằng, Hòa Bình…

Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiểm tra việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại Điện Biên
Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiểm tra việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại Điện Biên

Tại Hoà Bình, tính đến hết tháng 4 vừa qua, tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn toàn tỉnh đạt rất thấp. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư phát triển giải ngân đạt 9% so với kế hoạch được giao; nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt 2,7% so với kế hoạch được giao.

Để khắc phục tình trạng "có tiền mà không tiêu được", ngày 19/5/2025, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Công văn số 939/UBND-KTTH gửi các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố về việc đẩy mạnh giải ngân, thanh toán vốn nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 các Chương trình MTQG.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nguồn vốn của các Chương trình MTQG thường xuyên theo dõi, rà soát tiến độ thực hiện và thanh toán vốn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Đặc biệt đến ngày 1/7 sẽ bỏ các đơn vị hành chính cấp huyện, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy làm thay đổi chủ thể thực hiện, cũng như đối tượng, địa bàn thụ hưởng chính sách. Theo bà Tô Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Sau khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện cần nghiên cứu lại các tiêu chí về hộ nghèo, xã nghèo sau khi thực hiện sáp nhập cấp xã; lập cơ sở dữ liệu về xóa hộ nghèo tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG không bị gián đoạn sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 571/QĐ/TTg ngày 12/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Theo đó, các Bộ liên quan đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Ngày 11/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Văn bản số 1005 gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện một số nội dung Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã có văn bản số 256/BDTTG - VPCTMTQG ngày 8/4 gửi các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn chế độ, chính sách của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS  tại đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Theo nội dung Công văn số 256/BDTTG - VPCTMTQG, đối với các nhiệm vụ đã được phê duyệt kế hoạch thực hiện: UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát kế hoạch đã phê duyệt để giao hoặc phân cấp cho các cơ quan, đơn vị chuyên môn, đơn vị hành chính cấp dưới quản lý, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Còn đối với các nhiệm vụ chưa phê duyệt kế hoạch thực hiện: UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, xác định để phê duyệt kế hoạch thực hiện năm 2025 phù hợp với đối tượng, địa bàn thụ hưởng chính sách của Chương trình, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức được giao quản lý, tổ chức thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch đối với các nhiệm vụ của Chương trình đến hết giai đoạn 2021-2025.

Mô hình nuôi gà dưới tán hồi ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn thuộc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
Mô hình nuôi gà dưới tán hồi ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Đối với nhiệm vụ của Chương trình do cấp xã đang quản lý, tổ chức thực hiện UBND cấp tỉnh chỉ đạo đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, tổ chức lại tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình được giao theo quy Quyết định số 571/QĐ/TTg ngày 12/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững phù hợp với bối cảnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để thúc đẩy giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS

Sơn La: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để thúc đẩy giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS

Với tỷ lệ dân số là đồng bào DTTS cao, có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉnh Sơn La xác định công tác tuyên truyền, vận động là một giải pháp then chốt để “về đích” các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh. Các hoạt động này được triển khai với các hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng địa phương và cộng đồng.