Đã có 40 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, ông Lê Thọ Cuốn (SN 1954), thôn Thống Nhất 1, xã Xuân Dương, là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong ở huyện miền núi Thường Xuân. Từ thuở còn là chàng thanh niên trẻ, ông Cuốn đã học cách thuần ong rừng, để làm ra những mẻ mật tinh túy, chất lượng. Đến nay, ông có hơn 50 đàn ong, đặt ở nhiều khu vườn khác nhau.
Theo kinh nghiệm của ông, ong lấy mật quanh năm, chúng luôn tìm nơi có hoa nở. Mùa thu hoạch mật ong thường vào khoảng tháng 3 đến tháng 6, khoảng thời gian này mật ong dồi dào nhất trong năm. Đôi khi, cũng tùy thuộc vào nguồn hoa, khi nào kiểm tra thấy cầu ong có mật đầy, thì người nuôi ong sẽ tiến hành thu hoạch.
"Tuy nhiên, vào tháng 3, ong lấy được nhiều mật hơn cả và mật mùa này cũng ngon nhất. Đây là thời điểm tuyệt vời để nông dân thu hoạch mật ong, bởi mùa xuân cây cối nhiều hoa, ong làm mật chăm chỉ và cho ra những mẻ mật ngon nhất', ông Cuốn chia sẻ.
Mặc áo và mũ choàng màu tím, đeo găng tay bảo vệ, ông Cuốn cùng mấy người bạn nhẹ nhàng tiến vào khu vườn đặt các thùng gỗ nuôi ong. Cẩn thận mở nắp thùng, đàn ong túa ra, ông Cuốn nhấc từng cầu ong đầy mật ra khỏi thùng, đưa cho một người đứng cạnh để mang đi quay mật. Thông thường, ông để lại một cầu mật còn nguyên trong thùng để đàn ong không bỏ đi mất.
"Tôi hiểu đàn ong còn hơn hiểu bản thân mình. Không phải tôi nuôi chúng, mà là chúng đã nuôi tôi có ngày hôm nay", lão nông nói.
Theo ông Cuốn, cách khoảng 10 đến 15 ngày, ông quay mật một lần. Qua tháng 6, ông nghỉ khai thác để tách đàn, nhân giống.
"Ong sẽ gắn bó khi ta đảm bảo chúng luôn đủ mật, để nuôi ong non vào mùa ong không lấy được mật. Do đó, người nuôi ong phải giữ đủ lượng mật cho ong", ông Cuốn chia sẻ kinh nghiệm.
Theo ông Cuốn, nỗi lo của người nuôi, là ong lấy mật ở những cây hoa có phun thuốc bảo vệ thực vật khiến ong bị chết, hoặc gặp năm thời tiết thất thường, nguồn hoa ít. Muốn có được năng suất mật lớn, người nuôi ong phải di chuyển đàn ong, đến nơi có nguồn hoa mới để chúng có nguyên liệu làm mật quanh năm. Để đàn ong khỏe mạnh, không bệnh tật, ông phải thường xuyên kiểm tra, che chắn khi thời tiết xấu.
Được biết, mỗi năm, ông Cuốn thu hoạch hơn 1 tấn mật ong. Với giá bán ra thị trường từ 250 - 300 nghìn đồng/lít, lão nông thu về trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi ong lấy mật, ông còn bán giống ong, chuyển giao kỹ thuật nuôi cho những người có nhu cầu. Thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong nhiều năm qua, đã giúp kinh tế gia đình ông khá giả.
"Nuôi ong chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích, có thể nói là "một vốn bốn lời", lão nông chia sẻ.
Tâm huyết với nghề, hiện nay ông Cuốn nhận giúp đỡ, truyền nghề cho các hộ nuôi khác. Nhờ đó, nhiều hộ ở Thường Xuân đã có thêm thu nhập từ nghề nuôi ong.
Là một trong những hộ nuôi ong được sự hướng dẫn của Lê Thọ Cuốn, ông Trần Cao Vinh (72 tuổi), thôn Thống Nhất 3, phấn khởi nói, hiện ông có 10 đàn ong. Mỗi vụ quay mật, dù chỉ nuôi quy mô nhỏ, ông vẫn có thu nhập ổn định khi bán ra thị trường với giá 250 - 300 nghìn đồng/lít mật.
“Công việc nuôi ong cũng không phải vất vả chân tay nhiều, chỉ phải dành nhiều thời gian quan tâm đến chúng. Tôi thấy rất phù hợp với sức khỏe tuổi già như tôi. Không nặng nhọc hay áp lực, bù lại có thêm niềm vui”, ông Vinh nói.
Được biết, nghề nuôi ong ở huyện Thường Xuân đang ngày càng phát triển, với hàng trăm hộ nuôi ong. Địa phương cũng đang từng bước xây dựng sản phẩm mật ong của nông dân huyện Thường Xuân, trở thành một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa.