Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi nghiệp thành công trên quê nghèo

Quỳnh Chi - 22:06, 04/04/2021

Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, hai thanh niên ở khu vực miền núi Thanh Hóa không ngại thử sức mình, khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, trở thành tấm gương cho tuổi trẻ noi theo...

Chị Lê Thị Vân (áo xanh), huyện Thọ Xuân đã tạo nên một “đế chế” nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao ngay tại quê nhà
Chị Lê Thị Vân (áo xanh), huyện Thọ Xuân đã thành công trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao ngay tại quê nhà

Được biết đến là một trong những người đi đầu trong phong trào khởi nghiệp ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), chị Lê Thị Vân (sinh năm 1986), đã thành công trong việc cung cấp các dịch vụ phục vụ nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao ngay tại quê nhà.

Nói về con đường khởi nghiệp của mình, chị Vân chia sẻ: “Thành quả này, trước hết phải tự rèn cho mình bản lĩnh với ý tưởng táo bạo, không ngại gian khó”.

Chị Vân chia sẻ, sau tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức vào năm 2008, chị làm việc cho Văn phòng đại diện của Tập đoàn NETAFIM (Israel) tại Việt Nam, chuyên về công nghệ cao. Qua quá trình học hỏi kinh nghiệm, năm 2017, chị quyết định rời công ty để trở về quê lập nghiệp. Chị vay vốn để dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao.

“Khởi đầu, đã có nhiều lúc, tôi muốn bỏ cuộc do thiếu kinh nghiệm trong việc tìm đầu mối liên kết, chuyển giao kỹ thuật thiết bị công nghệ cao như: nhà kính, hệ thống tưới...Nhưng với ý nghĩ không cho phép mình thất bại, tôi rút kinh nghiệm rồi làm lại, cuối cùng thành quả cũng đến”, chị Vân chia sẻ. 

Đến nay, chị Vân đã xây dựng một cơ sở chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị công nghệ cao gồm: thi công nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới, cung cấp vật tư sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho nông dân phát triển kinh tế.

Hiện nay, mô hình cho thu nhập đạt 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của chị cung cấp đi khắp nơi như: Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Long, Thanh Hóa... phục vụ đắc lực cho ngành sản xuất nông nghiệp.

Nhờ những nỗ lực của mình, cuối năm 2020, chị Vân đã vinh dự là một trong số 56 thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Vân còn là một Bí thư đoàn khu phố 1, thị trấn Sao Vàng, năng nổ trong các phong trào xã hội ở địa phương như ủng hộ tiền, vật tư cho các hoạt động cộng đồng.
Chị Lê Thị Vân xây dựng thành công mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao với thu nhập đạt 1,2 tỷ đồng/năm.
Chị Lê Thị Vân xây dựng thành công mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao với thu nhập đạt 1,2 tỷ đồng/năm.

Hay như anh Tăng Văn Sinh, Bí thư Đoàn bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, là một thanh niên dân tộc thiểu số điển hình của xã, được đánh giá đầy ý chí vươn lên ở vùng núi khó khăn này.

Hoàn cảnh gia đình nghèo, anh Sinh không có điều kiện học lên đại học, sau khi tốt nghiệp THPT, anh cũng như những bạn bè cùng trang lứa ở quê, ra thành phố đi làm thuê khắp nơi. Thấy công việc bấp bênh, lại không đủ sống, anh khao khát trở về quê hương lập nghiệp. 

“Quê mình có đất đai, ruộng vườn, tại sao mình không tìm cách làm giàu trên mảnh đất cha ông”, anh Sinh nghĩ và quyết định bắt tay vào thực hiện mơ ước. Không có vốn, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để làm trang trại chăn nuôi. Anh trồng các giống cây xoan, lát, quýt đường, bưởi... và nuôi lợn, gà, vịt...

Sau 2 năm, trang trại của anh đã bắt đầu cho quả ngọt. Khu vực biên giới ít trang trại, nguồn cung nông sản đang hạn chế, vì thế sản phẩm của anh được đón nhận trên toàn huyện. Với thu nhập trừ chi phí còn khoảng 70 triệu đồng/năm, là một nỗ lực lớn đối với người thanh niên miền núi này. Thời gian tới, anh Sinh muốn sẽ mở rộng thêm mô hình, trồng nhiều cây trái và chăn nuôi nhiều giống vật nuôi hơn để gia tăng thu nhập.

Anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát đánh giá: ngoài làm kinh tế giỏi, anh Sinh còn là một Bí thư Chi đoàn năng nổ trong các hoạt động Đoàn của xã, và hướng dẫn nhiều thanh niên khác khởi nghiệp, cùng nhau phát triển kinh tế.

Thời gian tới, Huyện Đoàn Mường Lát tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế mới, đặc biệt là mô hình Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp tại các thôn, bản nhiều thanh niên dân tộc thiểu số như  Mông, Khơ Mú, Thái... sinh sống.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.