Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chàng thanh niên dân tộc Mường làm giàu từ nuôi thỏ

Văn Hoa - 16:53, 24/12/2020

Với sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, biết nắm bắt thời cơ, chàng trai dân tộc Mường Bùi Văn Hậu, 33 tuổi, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình quyết tâm nuôi thỏ New Zealand từ hai bàn tay trắng. Nhờ nỗ lực không ngừng, từ một gia đình nghèo, anh Hậu đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số vùng cao Tân Lạc.

Anh Bùi Văn Hậu trong trang trại thỏ của mình.
Anh Bùi Văn Hậu trong trang trại thỏ của mình.

Tiếp chúng tôi trong trang trại 300m² nuôi thỏ New Zealand vào một buổi chiều muộn giữa tháng 12, anh Bùi Văn Hậu (33 tuổi) kể về "cơ duyên" của mình với loài vật nuôi lông trắng, tai dài. Năm 2016, anh đến thăm trang trại nuôi thỏ New Zealand của một người bạn ở tỉnh Thái Bình, và nhận thấy việc nuôi thỏ đem lại kinh tế cao, chăm sóc không quá vất vả, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện nuôi thả ở quê mình. Anh Hậu quyết định mua 5 con giống (4 con cái, 1 con đực) về nuôi thử.

Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng... nên thỏ bị bệnh chết. Không bỏ cuộc, anh Hậu tìm đến các trang trại khác để học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi, tra cứu sách báo về kỹ thuật chăm sóc thỏ để đầu tư, phát triển đàn thỏ. Sau khi tìm hiểu nghiên cứu qua sách báo, mạng internet chi tiết về mô hình chăn nuôi, anh Hậu càng thêm say mê và quyết nuôi bằng được.

Để có nguồn giống tốt, anh Bùi Văn Hậu đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu Dê và thỏ ở Sơn Tây (Hà Nội) để học tập. Vừa nuôi vừa đúc rút thêm kinh nghiệm từ phương pháp chăm sóc, xây chuồng, tìm kiếm nguồn thức ăn, kiểm tra sức khỏe, trị bệnh, khám thai, phối giống cho thỏ… 

“Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm chăn nuôi thỏ, kỹ thuật còn non nên bị thiệt hại nhiều. Rồi bố mẹ cũng phản đối quyết liệt vì mình còn trẻ, kinh nghiệm chăn nuôi và vốn chưa có nhưng mình không nản lòng nên tiếp tục nuôi, rút kinh nghiệm dần”, anh Hậu kể lại. Đến nay, trại của anh Hậu có quy mô tổng đàn thỏ dao động trên 1300 con, trong đó có 100 con nái.

Có được thành quả như hôm nay, ngoài chọn nguồn thức ăn tốt và đảm bảo cho thỏ, anh Hậu còn đặc biệt quan tâm đến khâu chọn giống và vệ sinh chuồng trại. Thỏ là loài vật dễ nuôi, dễ chăm sóc nhưng để nuôi thỏ với số lượng lớn là chuyện không hề đơn giản.

Theo anh Hậu, người nuôi thỏ phải dành thời gian để kiểm tra hàng ngày, nếu để một con bị bệnh mà không kịp xử lý sẽ ảnh hưởng đến cả đàn. Do đó, phải tách đàn, chăm sóc riêng khi phát hiện thỏ kém ăn, có biểu hiện mệt mỏi. Phải có bảng theo dõi hàng ngày cho từng con như ngày phối giống, ngày đẻ, số con trên lứa, từ đó tính toán con nào đẻ kém để loại thải kịp thời.

Thỏ là loài ăn tạp từ cỏ, lá cây, các loại củ… tuy nhiên thức ăn tránh ẩm ướt, mốc. Một ngày, anh Hậu cho thỏ ăn 3 bữa: sáng, chiều cho ăn thức ăn tinh (cám công nghiệp), còn bữa tối ăn thức ăn xanh.

Chuồng nuôi thỏ của gia đình anh Hậu không quá cầu kỳ, khung chuồng nuôi làm từ gỗ và quây bằng lưới sắt nhỏ, nắp chuồng làm bằng tre nên chi phí cho mỗi lồng khoảng 100.000đ. Mỗi ngăn nuôi rộng từ 0,2 - 0,3 m2, với thỏ khoảng 1 kg thì nuôi 3 - 4 con/lồng, còn khoảng 3 - 4 kg chỉ nuôi nhốt 1 con. Anh Hậu lắp van uống nước tự động ở mỗi lồng nuôi, thức ăn cho thỏ đựng trong khay được làm từ cây bương, ở mỗi lồng nuôi anh đều có sổ theo dõi, ghi chép thông tin từng con. Các chuồng nuôi đặt cách xa mặt đất 50 cm và có nắp hệ thống máng uống nước tự động. Đặc biệt, vấn đề về vệ sinh chuồng trại và thức ăn sạch đảm bảo là rất quan trọng, giúp thỏ tránh được nhiều bệnh như: Nấm, ghẻ, tiêu chảy, đầy hơi…

Ngoài ưu điểm sinh sản nhanh, thỏ trắng rất ít bị bệnh, ăn khá tạp nên chăm sóc không vất vả như nuôi lợn, gà. Với những người vốn ít, đầu tư nuôi thỏ khá phù hợp bởi chi phí để mua một đôi giống chỉ từ 200.000 - 250.000 đồng. Hàng năm, anh Hậu đã bán ra thị trường số lượng lớn thỏ thương phẩm và thỏ giống, mỗi năm cho thu nhập ổn định từ 150 - 200 triệu đồng. Riêng năm nay, do tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ có phần biến động, tuy nhiên anh Hậu vẫn thu được hơn 200 triệu đồng. Đồng thời, anh Hậu tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô chuồng trại để có được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhận xét về mô hình nuôi thỏ New Zealand của gia đình anh Bùi Văn Hậu, ông Bùi Văn Bến, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Quyết Chiến đánh giá: Đây là một mô hình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân ở xã Quyết Chiến nói chung và gia đình anh Bùi Văn Hậu nói riêng. Mô hình này, cũng là hướng đi mà xã Quyết Chiến đang  khuyến khích người dân nhân rộng và phát triển. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.