Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hải Phòng năm 2011, chàng trai trẻ Phạm Hải Chiều nộp đơn tình nguyện lên công tác tại Trường Tiểu học Mồ Sì Sàn, xã Mồ Sì Sàn, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Sau hơn 2 năm với sự nghiệp trồng người, đến năm 2016, anh Chiều quyết định về quê hương Lâm Thượng để lập nghiệp.
Về quê hương, anh Chiều gặp rất nhiều khó khăn khi xác định hướng phát triển đầu tư vào mô hình kinh tế nào cho hiệu quả. Trong một lần tình cờ lên mạng Internet tìm kiếm thông tin, anh nhận thấy nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết tâm làm theo mô hình này. Tháng 4/2017, anh xây dựng chuồng trại và nuôi khởi điểm 50 con thỏ sinh sản. Nhờ những kinh nghiệm học hỏi được nên đàn thỏ sinh trưởng, phát triển tốt, sau 6 tháng nuôi, tổng đàn thỏ đã lên tới 500 con, xuất bán thỏ, anh có thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng.
Nhận thấy nuôi thỏ phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, ít dịch bệnh, có giá trị kinh tế cao, đến tháng 11 năm 2017, anh quyết định tăng số lượng đàn lên 2.000 con và được HTX thanh niên Tân Linh, xã Tân Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ thỏ thương phẩm. Với những bước tiến vững chắc, tháng 3/2018, anh Chiều quyết định thành lập HTX thanh niên Lâm Thượng chuyên cung cấp con giống và bao tiêu thỏ thương phẩm cho các hộ chăn nuôi. Đến nay, HTX đã có 8 trang trại thành viên với tổng đàn trên 5 nghìn con. Ngoài bán thỏ thương phẩm, HTX đã sản xuất thêm sản phẩm xúc xích thỏ để cung ứng cho thị trường. Qua hạch toán, tổng doanh thu của HTX năm 2019 đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 20%.
Anh Chiều chia sẻ: “Mình thấy nhiều thanh niên quê hương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, vì vậy, sau khi thành lập HTX, mình đã phát triển các vệ tinh trong và ngoài huyện, giúp thanh niên cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu từ mô hình này”.
Đơn cử như mô hình nuôi thỏ của anh Hoàng Văn Soi, thôn Kèn Trọ, xã Lâm Thượng, thành viên HTX thanh niên Lâm Thượng. Trong khu chuồng nuôi với tổng đàn khoảng 500 con, chuồng thỏ được trang bị kiên cố, hiện đại với hệ thống quạt gió, giữ ấm, làm mát, nền chuồng bằng xi măng bảo đảm vệ sinh. Khu nuôi được chia tách khoa học với khu dành cho thỏ hậu bị và khu nuôi thỏ sinh sản. Trung bình mỗi năm, xuất bán thỏ sau khi đã trừ chi phí, anh Soi thu về hơn 40 triệu đồng.
Qua những nỗ lực của bản thân trong việc phát triển HTX với mô hình nuôi thỏ, anh Phạm Hải Chiều, Giám đốc HTX thanh niên Lâm Thượng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở vùng DTTS năm 2018; Anh Chiều cũng đạt giải Ba cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2017.