Năm 2010, chị Bùi Thị Duyên rời quê hương Thanh Hóa để theo họ hàng vào Kon Tum làm công nhân cao su. Vài năm sau, chị gặp anh A Hiếu, chàng trai người Giẻ Triêng ở thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) rồi nên duyên vợ chồng.
Chia sẻ về những ngày đầu lập nghiệp trên quê hương mới, chị Duyên cho biết: “Thời mới lấy nhau vợ chồng mình còn khó khăn lắm, nhà chỉ 2 ha đất trồng mì, nhưng thu nhập từ cây mì không cao. Vì thế năm 2014, mình bàn với chồng chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Lúc này mình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã giới thiệu về nguồn vốn vay từ NHCS, nên mình đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng, cùng với số vốn ít ỏi tích lũy trước đó để đầu tư nuôi 30 con heo, 1 con bò. Đồng thời chuyển đổi từ 2ha trồng mì sang trồng cao su”.
Cũng như bao hộ khác, thời gian đầu khi chuyển đổi mô hình, chị Duyên cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Để tìm hiểu cách chăm sóc đúng cách, chị Duyên đã chủ động tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ đi trước, trên báo, đài, ti vi. Nhờ vậy, đàn heo phát triển tốt, sau hơn 1 năm đã mang lại thu nhập, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình chị thu về hơn 50 triệu đồng.
“Số tiền thu được từ chăn nuôi, tôi tiết kiệm để lo cho cuộc sống gia đình. Đến năm 2016, gia đình tôi tiếp tục đầu tư mua 1ha đất để trồng cà phê. Bên cạnh đó, 2 ha cao su cũng bắt đầu cho thu hoạch và trở thành thu nhập chính của gia đình, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng từ cây cao su và hơn 30 triệu đồng từ cây cà phê. Nhờ vậy, đến năm 2018, gia đình tôi đã thoát nghèo", chị Duyên chia sẻ.
Nhận xét về chị Bùi Thị Duyên, Chị Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục cho biết: Với ý chí vươn lên, chịu khó học hỏi kiến thức mới để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chị Duyên đã trở thành tấm gương phát triển kinh tế để cho các hội viên khác học tập. Chị cũng thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế giúp các hội viên khác vươn lên thoát nghèo.