Già làng A Yưn như vẫn còn khắc khoải, còn nhớ như in cái ngày lịch sử ấy, đó là cái ngày mà cầu treo Kon Klor, chiếc cầu được coi là to đẹp nhất vùng Tây Nguyên được xây dựng, đã nối hai bờ sông Đăk Bla, chấm dứt cảnh chèo thuyền, lội sông của người dân từ làng cũ Kon Klor để sang sông vỡ đất, trồng lúa, sắn… mưu sinh. Gần 20 năm qua, đồng bào dân tộc Bah Nar trên vùng đất mới này được làm chủ trên vùng đất mới, xoay chuyển hướng làm ăn, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.
Thôn trưởng Kon Klo 2 - A Kiên năm nay mới tròn 33 tuổi. Anh mới được bầu làm trưởng thôn từ đầu năm 2020. Lớp trẻ như A Kiên ngày mới dời làng sang sông chỉ khoảng 5, 6 tuổi, nay đã trở thành những chủ nhân của làng Kon Klor 2.
A Kiên cho biết, làng Kon Klo 2 hiện có 232 hộ, với 995 khẩu, tất cả đều là người dân tộc Ba na. Trong phát triển kinh tế, trước đây, bà con chỉ quanh quẩn với vài héc-ta lúa rẫy và dăm chục héc-ta sắn, bắp…Trồng lúa, sắn và bắp chỉ lo cho “no cái bụng” mà quanh năm vẫn có nhiều nhà còn phải chạy ăn từng bữa, nhất là nạn đói giáp hạt luôn là bài toán nan giải ở vùng quê này. Làm sao để lo đủ lương thực và từng bước có của ăn, của để, đó là bài toán đã được đặt ra ở nhiều chương trình nghị sự của làng và xã Đăk Rơ Va.
Bí thư Chi bộ làng Kon Klo 2 - A Ríp tâm sự: “Chi bộ đã đề ra chủ trương là phải chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, định hướng cho bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xóa nghèo”.
Thực hiện chủ trương của Chi bộ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, từ năm 2015 đến nay, bà con trong làng đã chuyển hướng làm ăn, từng bước xóa thế độc canh cây lúa rẫy và cây sắn để trồng rau, cà chua, bí, đậu các loại và đẩy mạnh chăn nuôi bò, heo, dê… để bán lấy tiền lo cuộc sống. Trong phong trào thi đua chuyển đổi ơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong làng đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới của nhiều hộ gia đình.
Đi đầu phải nhắc tới già làng A Yưn. Ông là người đầu tiên trong làng trồng bí đao, đến nay gia đình ông đã có vườn bí đao trên 4.000 mét vuông nằm bên bờ sông Đắk Bla. Theo già làng A Yưn, chỉ có trồng rau, củ, quả như thế, bà con nơi đây mới có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Ông tính: “Đến tháng 12 năm nay, gia đình tôi thu được trên 3 tấn bí, giá bán 9.000 đồng/ký. Tổng thu khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí như giống, phân… gia đình cũng còn lãi được một nửa”.
Không chỉ lo cho gia đình, già làng A Yưn còn vận động bà con trong làng cùng làm như mình để thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ đồng đất bên sông. Noi theo ông, nhiều gia đình khác như A Bưm, A Đắc… mùa này cũng trồng thêm vài sào đất bí và đã cho thu hoạch.
Trong buổi chiều cuối năm 2020, tôi chạy xe qua cầu treo Kon Klor, rảo bước trên những con đường bê tông dọc quanh làng, tôi gặp ông A Hyga, 65 tuổi, ông bộc bạch: “Trước đây, dân làng Kon Llor 2 khổ lắm. Bây giờ, nhờ chính sách của Nhà nước lo cho dân, nên đời sống của bà con đã no ấm hơn gấp nhiều lần. Bà con ơn Đảng nhiều lắm”.
Đêm về, đứng trên cầu treo Kon Klor, nhìn sang bên kia sông Đăk Bla là làng Kon Klor 2, ánh điện đường toả sáng mọi nhà. Từ trong nhà rông vọng ra, tiếng cồng chiêng ngân vang trong điệu xoang nhịp nhàng mà say đắm. Bên ngọn lửa hồng và men rượu cần nồng ấm, ánh mắt của những chàng trai, cô gái Ba na như sáng dậy niềm tin và hy vọng những điều tốt đẹp ở ngày mai, về một cuộc đổi đời đã và đang đến với bà con các dân tộc ở nơi đây. Cùng hướng tới một cuộc sống mới no đủ, đó chính là nơi hội tụ của lòng Dân, ý Đảng.