Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thiếu tá quân y và bài thuốc giải độc lá ngón ở vùng miền núi

An Yên - 05:08, 06/12/2023

Chỉ vài ba loại cây quanh vườn nhà, Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức – Đồn biên phòng Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An), đã sáng chế ra bài thuốc dân gian giải độc lá ngón hữu hiệu. Chính anh cũng là người đã cấp cứu kịp thời, để nhiều cuộc đời thay đổi, nhiều cuộc sống hồi sinh với những hy vọng mới…

Vấn nạn ăn lá ngón tự tử từng gây ra những cái chết đau lòng ở vùng đồng bào DTTS xứ Nghệ - Trong ảnh: một góc bản Huồi Mới 1 xã Tri Lễ huyện Quế Phong
Vấn nạn ăn lá ngón tự tử từng gây ra những cái chết đau lòng ở vùng đồng bào DTTS xứ Nghệ - Trong ảnh: một góc bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ huyện Quế Phong

Cũng như nhiều bản làng ở miền Tây xứ Nghệ, vấn nạn ăn lá ngón tự tử, đã từng gây ra những cái chết đau lòng tại vùng núi xã Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An).

Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này thường là do bột phát, trong đó tỉ lệ tìm đến cây lá ngón của đồng bào dân tộc Mông là nhiều nhất. Ngoài những nguyên nhân khách quan như ăn nhầm, ngâm rượu nhầm rễ cây lá ngón, thì cũng có muôn vàn nguyên nhân lãng xẹt khác như mâu thuẫn vợ chồng không hòa giải được, buồn chuyện tình cảm, con cái xin tiền bố mẹ nhưng không cho, hoặc bị bắt về làm vợ, thậm chí là bạn bè xích mích, mâu thuẫn nhau… cũng tìm đến lá ngón để giải quyết. Sâu xa, là trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế, nhận thức cuộc sống chưa đầy đủ, thiếu kỹ năng sống và đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, khi gặp trắc trở, một số người đã tìm lá ngón như một phương thức giải quyết.

Trăn trở trước thực tế ấy, Thiếu tá Lê Anh Đức, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ  huyện Quế Phong (Nghệ An), đã tỉ mỉ theo dõi quá trình biểu hiện của những người ăn lá ngón; đồng thời nghiên cứu độc tính của loại cây này với niềm day dứt, làm sao phải chế ngự được độc tính, giành lại sự sống cho người dân khi vì một lí do nào đó mà lỡ ăn phải cây lá ngón.

Với kiến thức y tế của bản thân cùng kinh nghiệm thực tế cuộc sống, Thiếu tá Đức nghĩ: tại sao mình không sử dụng nước cây chuối kết hợp với rau má thanh nhiệt để giải độc lá ngón? Nếu thành công thì nguyên liệu rất dễ kiếm tìm, vì đây là những cây mọc đầy quanh vườn nhà.

Qua thời gian tìm tòi, năm 2016 quân y Đức đã sáng chế ra bài thuốc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc lá ngón từ những thứ có sẵn trong tự nhiên và dễ thực hiện như nước cây chuối, nước cây rau má. Sau khi có được nước từ thân cây chuối và nước cây rau má trộn đều, bác sĩ Đức đã tìm mấy con nhái bén còn sống rửa sạch và thả vào nước hỗn hợp nói trên từ 3-5 phút rồi vớt bỏ nhái ra. Việc cho nhái bén còn sống vào nước, theo bác sĩ Đức, chỉ với mục đích là tạo chất tanh cho bệnh nhân dễ nôn sau khi uống thứ nước hỗ hợp này.

Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức (bìa phải) cùng cán bộ trạm y tế xã Tri Lễ thăm khám cho người bệnh
Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức (bìa phải) cùng cán bộ Trạm y tế xã Tri Lễ thăm khám cho người bệnh

Qua chia sẻ của Thiếu tá, bác sĩ Đức, khi người bệnh ngộ độc lá ngón, thì cho uống thứ nước hỗn hợp trên mấy lần, mỗi lần khoảng 400 – 500ml rồi dùng tay đưa vào miệng bệnh nhân kích thích gây nôn để làm sao đào thải hết thức ăn trong dạ dày. Tiếp đó, cho bệnh nhân uống khoảng 300ml nước thân cây chuối kết hợp với nước lá rau má nhưng không gây nôn. Trường hợp bệnh nhân ngộ độc nặng không tự uống được thì đặt sond dạ dày dùng 3 – 5 lít nước hỗn hợp để rửa sạch dạ dày. Cùng với đó, kết hợp dùng thuốc kháng histamin, trợ tim, trợ sức, truyền dịch… Sau khoảng 2 – 3 giờ tích cực cấp cứu, hồi sức, bệnh nhân sẽ qua cơn nguy kịch và dần hồi phục.

Bài thuốc dân gian giản đơn, nhưng hữu hiệu này đã khiến nhiều cuộc đời đổi thay, nhiều cuộc sống hồi sinh… sau khi đã lỡ ăn lá ngón. Trở thành phương thuốc được phổ biến rộng rãi cho cán bộ quân y các đơn vị thuộc lực lượng biên phòng; cũng như đang được nhân rộng cho nhân viên y tế thôn, bản, người dân nhằm tăng cơ hội cứu sống cho các nạn nhân bị ngộ độc lá ngón ở một số xã miền Tây xứ Nghệ.

Thiếu tá Lê Anh Đức nhớ lại: Khi cứu sống được bệnh nhân đầu tiên, tôi vẫn chưa chắc chắn vào bài thuốc điều trị độc lá ngón của mình. Sau này cứu sống thêm vài người nữa, tôi mới cảm thấy chắc chắn và đã thông báo với đơn vị để báo cáo lên chỉ huy cấp trên. Từ khi có bài thuốc này, tôi đã cứu sống 26 bệnh nhân nhiễm độc lá ngón.

Người Mông ở vùng núi Tri Lễ đã trìu mến gọi thiếu tá Lê Anh Đức là Tì lầu Đức. Còn với anh Lô Văn X (SN 1985) ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, lại coi anh như một ân nhân cứu mạng. Anh X là bệnh nhân đầu tiên được Thiếu tá Đức cứu sống sau khi ăn lá ngón và nay đã là thợ xây lành nghề, có cuộc sống ổn định.

Bộ đội biên phòng phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương nhổ bỏ cây lá ngón
Bộ đội biên phòng phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương nhổ bỏ cây lá ngón

Khi được hỏi về người chiến sĩ quân hàm xanh này, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Vi Văn Cường chia sẻ, xã Tri Lễ hiện có 2.086 hộ dân thuộc các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh cùng chung sống. Trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nạn ăn lá ngón…Do vậy, hầu như năm nào cũng xảy ra một vài trường hợp người dân ăn lá ngón. Nhờ bác sĩ Đức với phương thuốc giải độc, mà nhiều trường hợp ăn lá ngón tự tử trên địa bàn xã đã được cứu sống.

Cũng theo ông Cường, trước thực tế nhiều trường hợp trên địa bàn xã ăn lá ngón tự tử; ấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tri Lễ cùng già làng, trưởng bản, Người có uy tín đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, kết hợp với xóa nhổ, bài trừ cây lá ngón. Nhờ đó, đã hạn chế được nạn ăn lá ngón tự tử trong Nhân dân.

Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo ở xã Thanh Long (Thanh Chương). Hơn 10 năm công tác ở địa bàn xã biên giới Tri Lễ – một xã thuộc vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, với 5 bản chưa có điện lưới, đường giao thông đi lại rất vất vả; bác sĩ quân y Lê Anh Đức hiểu hơn ai hết những khó khăn của vùng đất này

Theo đó, hơn 10 năm qua, bước chân Thiếu tá, bác sĩ Đức đã in dấu khắp 16 bản làng xã biên giới Tri Lễ. Nhận công tác ở vùng đất khó, thiếu tá Đức luôn tâm niệm làm sao chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân thật tốt; tuyên truyền, động viên bà con cách phòng chống dịch bệnh, ăn ở hợp vệ sinh… để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh tật. Và bài thuốc dân gian từ sự nghiên cứu, thử nghiệm thành công của vị bác sĩ quân y Lê Anh Đức cùng với những việc làm, trách nhiệm của anh đối với đơn vị, Nhân dân...càng tô thắm hơn hình ảnh người “thầy thuốc quân hàm xanh” trong lòng đồng bào các DTTS vùng Tây Bắc xứ Nghệ.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.