Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bá Thước (Thanh Hóa): Lan tỏa hiệu ứng tích cực từ những điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS

Quỳnh Trâm - 01:31, 21/11/2023

Từ chính sách động viên, khích lệ, ưu tiên đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến được tuyên dương, khen thưởng. Họ đã trở thành những tấm gương có sức lan tỏa, tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của người dân, tạo thêm động lực cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy lùi hủ tục..., góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS.

Những Người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu các dân tộc ở huyện Bá Thước đang là những tấm gương về đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; chịu khó vươn lên trong lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng; có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Người có uy tín tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế
Người có uy tín tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế

Lực lượng này có vị trí quan trọng, có sức ảnh hưởng sâu rộng, lan toả trong cộng đồng dân cư; đóng vai trò là cầu nối truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tích cực tham gia phối hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng và củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và bộ máy chính quyền.

Từ thực tế đã chứng minh, lực lượng Người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân các DTTS... luôn tiên phong trong việc tìm hiểu, đổi mới các phương thức sản xuất kinh doanh sáng tạo, hiệu quả từ việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu của địa phương; Chủ động nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, cộng đồng;

Đáng biểu dương là, họ là những nhân tố tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ những hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn các cách làm kinh tế hiệu quả để tăng nguồn thu, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn sinh sống. 

Theo đó, từ trong các phong trào, hoạt động trên, đã xuất hiện các mô hình nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác của Người có uy tín, làm kinh tế giỏi, làm giàu chính đáng, đạt thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Hà Văn Lưu, sinh năm 1987, dân tộc Thái, thôn Khà, xã Kỳ Tân. Ông Lưu hiện là Giám đốc Công ty CPTM&DV Phước Lộc. Công ty của ông đang tạo việc làm cho 20 người lao động, mỗi năm đạt doanh thu 15-16 tỷ đồng.

“Tôi luôn tâm niệm, mình xuất thân từ nghèo khó rồi, phải không ngừng tìm tòi, cố gắng, sáng tạo để thoát nghèo. Không chỉ mang lại thay đổi cho cuộc sống gia đình mình, mà còn phải mang lại giá trị cho quê hương, thay đổi cuộc sống của đồng bào mình, đó cũng chính là mục tiêu của tôi”, ông Lưu chia sẻ.

Trong phát triển kinh tế hộ có các ông Hà Văn Thọ, dân tộc Mường, phố Đồng Tâm 3, xã Thiết Ống; ông Hà Văn Giáp, dân tộc Thái, là Trưởng thônThôn Đôn, xã Thành Lâm; bà Hà Thị Dung, ở Phố Đoàn, xã Lũng Niêm; ông Trương Văn Phòng, dân tộc Mường, là Người có uy tín Thôn Quang Trung, xã Lương Trung là hộ gia đình chăn nuôi giỏi.

Trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, có  bà Hà Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Thượng Long. Công ty của bà đang tạo việc làm cho 100 người lao động tại địa phương từ dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái.

Bà Trương Thị Mầu, dân tộc Mường, Giám đốc phòng khám Đa khoa Lương Điền, Thầy thuốc ưu tú, phát biểu tại hội nghị tôn vinh Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Bá Thước
Bà Trương Thị Mầu, dân tộc Mường, Giám đốc phòng khám Đa khoa Lương Điền, Thầy thuốc ưu tú, phát biểu tại hội nghị tôn vinh Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Bá Thước

Trong lĩnh vực Y tế, người dân huyện Bá Thước ai cũng biết đến bà Trương Thị Mầu, dân tộc Mường, sinh năm 1958, Giám đốc phòng khám Đa khoa Lương Điền, Thầy thuốc ưu tú. Bà đã hỗ trợ khám chữa bệnh cho 20.000 lượt người dân trên địa bàn huyện, tạo việc làm cho 25 bác sĩ, y tá và hộ lý. Phòng khám của bà đang góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS ở những địa bàn khó khăn.

“Những đóng góp của cá nhân, dù có cố gắng đến đâu cũng vô cùng nhỏ bé trước những yêu cầu to lớn của cuộc sống, tôi mong muốn được tiếp tục cống hiến những kiến thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, đồng thời giáo dục cho con cháu thế hệ sau biết học tập và lao động nghiêm túc, xây dựng quê hương miền núi của mình tiến kịp miền xuôi, thành phố; biết yêu mến gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc mình, góp phần xây dựng quê hương”, bà Mầu chia sẻ

Ngoài những điển hình nêu trên, trên địa bàn huyện Bá Thước còn rất nhiều tấm gương, điển hình khác đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển quê hương. Được biết, tháng 10/2023, đã có 130 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện Bá Thước tặng Giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Bá Thước 2021 - 2023.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Từ những đóng góp quan trọng của đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu vùng đồng bào DTTS, đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị được chú trọng củng cố, xây dựng vững mạnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lò Văn Thắng, khẳng định, hiện nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể địa phương đang tiếp tục phát hiện và đẩy mạnh việc nhân rộng các điển hình tiên tiến, khích lệ, động viên đúng lúc các tấm gương người tốt, việc tốt, biểu dương những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong học tập, sản xuất. 

"Huyện cũng sẽ chú trọng tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để tạo hiệu ứng tích cực từ những tấm gương, mô hình sống động, góp phần vào việc bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong mỗi người, trong cộng đồng xã hội, hướng tới xây dựng quê hương Bá Thước giàu đẹp", Phó Chủ tịch Lò Văn Thắng bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.