Điểm tựa bản làng
Ngọc Lặc là huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Thanh Hoá, toàn huyện có 20 xã và 1 thị trấn với 213 thôn, làng và khu phố. Dân số huyện 148.075 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 74,2 %, với 4 dân tộc chính chung sống là dân tộc Mường, Kinh, Dao, Thái.
Với đặc thù của địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, điểm xuất phát thấp, do đó đời sống kinh tế, văn hóa; cũng như trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc tuy vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế...Tuy nhiên, đánh giá một công bằng, nhờ thụ hưởng các chương trình dự án, chính sách dân tộc, cùng với sự đồng lòng quyết tâm của chính quyền, Nhân dân trong xây dựng phát triển địa phương, đến nay diện mạo các xã vùng cao của huyện Ngọc Lặc đã có những chuyển biến tích cực; đời sống của Nhân dân cũng đã từng bước được cải thiện.
Để có được sự chuyển biến này, không thể thiếu vai trò của những Người có uy tín. Họ là những nhân tố quan trọng nhiệt tình tham gia công tác xã hội, là thành viên tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Ngoài ra, với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc mình, các già làng, trưởng bản, Người có uy tín còn phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tích cực động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động sản xuất.
Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Toàn huyện Ngọc Lặc có 179 Người có uy tín. Đây là lực lượng "nòng cốt" đi đầu trong việc tiếp nhận thông tin, truyền đạt ý kiến và nhu cầu của cộng đồng đến các các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý; Đồng thời, tuyên truyền các chính sách và dự án từ cấp trên xuống cộng đồng một cách hiệu quả. Họ còn là lực lượng đi đầu làm gương và hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương...
"Lý do mà người dân tin tưởng và tôn trọng Người có uy tín là, khi triển khai chủ trương, hay thực hiện phong trào phát động nào do chính quyền phát động, triển khai, Người uy tín luôn tiên phong thực hiện trước nên người dân rất tin tưởng nghe và làm theo Người uy tín", Phó Chủ tịch Phạm Văn Đạt chia sẻ thêm.
Điển hình như bà Phạm Thị Tẳng, Người có uy tín ở làng Lỏ, xã Cao Ngọc. Bà là người có công lớn trong việc bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường. Nhận thấy nhiều nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc đang bị mai một, trong đó có trò diễn hội Pồn Pông dân tộc Mường, nên trong suốt nhiều năm qua, bà Phạm Thị Tắng đã nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu và góp phần phục dựng lại trò diễn hội Pồn Pông. Nhờ đó mà năm 2017, trò diễn Pồn Pông được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Giờ đây, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu bà Phạm Thị Tắng vẫn luôn miệt mài trong việc truyền dạy các nghi lễ, điệu múa, bài xường... để trò diễn Pồn Pông hòa vào đời sống cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. "Trong xã, ngoài xã bà cũng dạy. Bà mừng vì cũng đã có nhiều người cũng biết diễn Pồn Pông, nhưng để khai thác hết thì nó nhiều trò diễn lắm, mới sưu tầm được 70-80%. Vì vậy, bà sẽ tiếp tục dạy nữa, dạy đến khi nào hết hơi thở mới thôi", bà Tắng nói.
Phát huy vai trò trong triển khai các chương trình MTQG
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhiều Người có uy tín là tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng NTM, đã hiến hàng ngàn mét vuông đất, huy động được nhiều nguồn lực trong Nhân dân, thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” để xây dựng nhà văn hóa; tu sửa trường học; khai hoang, cải tạo ruộng đất, phát triển trang trại sản xuất, kinh doanh dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao... ;như ông Lê Văn Quân, thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn, là một ví dụ.
Theo đó, sau khi xã đã đạt chuẩn xây dựng NTM, bằng uy tín của mình, ông Quân đã tiếp tục vận động người dân góp tiền của, sức lao động để duy trì và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao như: đổ bê tông thêm 1,3km, làm mương thoát nước 1.270 mét, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hoá, trồng hoa 2 bên đường trên các tuyến đường liên thôn...tất cả các công trình đều bằng nguồn vốn của Nhân dân đóng góp.
Ngoài ra, cá nhân ông đứng ra vận động con em đi làm ăn xa, con em thành đạt ủng hộ được 32 ghế đá, 25 bồn hoa cây cảnh, ủng hộ xây dựng 1 cổng chào, vận động người dân hiến cây, hiến đất mở rộng đường giao thông, hàng tháng tổng dọn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm 2 lần/ tháng...
Bên cạnh đó, với vốn hiểu biết về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc mình, ông còn đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con phát huy, gìn giữ phong tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Để động viên Người có uy tín phát huy vai trò, huyện luôn quan tâm triển khai kịp thời các chính sách cho Người có uy tín, tạo điều kiện phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động người thân tham gia phát triển kinh tế, xã hội.
"Hiện nay, huyện Ngọc Lặc đang tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, trọng tâm là chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; giảm nghèo bền vững; xây dựng NTM. "Theo đó, huyện sẽ tiếp tục tranh thủ, phát huy vai trò của đội ngũ những Người có uy tín đối với sự nghiệp phát triển KT-XH của huyện", ông Đạt chia sẻ