Phát huy vai trò Người có uy tín
Bá Thước là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, với tổng số dân hơn 104.000 người, gồm có 3 dân tộc chính là Mường, Thái, Kinh và một số DTTS khác như Mông, Dao, Thổ. Hiện nay, Bá Thước là địa phương đang được thụ hưởng cả 3 chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719.
Chương trình MTQG 1719 được thiết kế với nguồn lực, đầu tư hỗ trợ giải quyết toàn diện các vấn đề cấp bách trong đời sống xã hội của đồng bào, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, trong đó có huyện Bá Thước.
Một số tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình đang được huyện Bá Thước ưu tiên thực hiện, là Tiểu dự án 1, Dự án 10 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò Người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động.
Theo đó, thực hiện tiểu dự án này, huyện Bá Thước đã tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động trong vùng DTTS&MN toàn huyện. Triển khai các lớp tập huấn " Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật”; “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý” cho người dân và cán bộ chủ chốt cộng đồng.
Huyện Bá Thước cũng đã xác định, để đưa kiến thức chính sách pháp luật đi vào quần chúng Nhân dân ở các vùng DTTS, không thể thiếu vai trò nòng cốt của lực lượng Người có uy tín. Do đó, huyện đã chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật cho Người có uy tín, qua đó phát huy vai trò là tuyên truyền viên của Người có uy tín trong cộng đồng DTTS.
Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn huyện có tổng cộng 543 Người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Riêng năm 2023, toàn huyện có 186 Người có uy tín đã tích cực phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; Vận động gia đình, dòng họ xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước ở khu dân cư; làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, giải quyết tranh chấp đất đai; không sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy...
Trong số những Người có uy tín, tiêu biểu như bà Lục Thu, dân tộc Mường, hiện cư trú tại thôn Khung, xã Thiết Kế là cán bộ hưu trí. Nhiều năm qua, bà đã vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của thôn; đồng thời phát huy tốt phong trào gia đình, dòng họ hiếu học; giữ gìn và bảo vệ sức khỏe, phát triển kinh tế.
Tương tự, còn có ông Trương Ngọc Quản, dân tộc Mường, hiện cư trú tại thôn Cò Con, xã Hạ Trung. Ông Quản luôn gương mẫu trong các phong trào, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, được Nhân dân tin tưởng và cấp trên tín nhiệm.
Nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS
Bên cạnh công tác phát huy vai trò Người có uy tín, huyện Bá Thước xác định trợ giúp pháp lý là chính sách ưu đãi dành cho đồng bào DTTS hiện đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Với đặc điểm kinh tế - xã hội huyện Bá Thước cho thấy, trên 80% số dân của huyện thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó, người DTTS sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chiếm 84% tổng số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Tìm hiểu thực tế, nhu cầu được trợ giúp về pháp luật trong vùng đồng bào DTTS là rất lớn. Ở khu vực này điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên điều kiện để tiếp cận pháp luật, chính sách của Nhà nước còn có những trở ngại; trong khi đó các tập tục lạc hậu còn tồn tại. Vì vậy, quá trình triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trên địa bàn, đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý cho người DTTS luôn được huyện quan tâm và đạt kết quả nhất định.
Điển hình như, trong năm 2022 hội Luật Gia huyện Bá Thước đã phối hợp với Phòng Tư Pháp huyện làm tốt công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân. Đã tư vấn và trợ giúp pháp lý 484 lượt, chủ yếu là tranh chấp đất đai, thủ tục làm giấy chứng nhận sử dụng đất, chế độ bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chính sách hộ nghèo, hỗ trợ làm nhà cho người nghèo và người có công với cách mạng.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các đơn vị, lực lượng chức năng còn phối hợp lồng ghép cả trợ giúp pháp lý cho Nhân dân nói chung và người DTTS sinh sống trên địa bàn của các thôn đặc biệt khó khăn như: phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an huyện mở các phiên tòa lưu động xét xử 09 vụ tại các xã vùng sâu, vùng xa, với tổng số 500 lượt người dân chứng kiến, qua đó người dân nắm rõ được các văn bản, nhận diện được những hành vi nào là vi phạm pháp luật, qua đó nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật.
9 tháng đầu năm 2023, huyện Bá Thước đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 885 lượt người và trợ giúp pháp lý lưu động thông qua lồng ghép các hội nghị cho 769 lượt người; các nội dung nắm bắt được là ccác văn bản về chuyển nhược đất, bảo vệ nguồn nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho cộng đồng khu dân cư, mở rộng đường giao thông nông thôn, thủ tục chuyển nhược và cấp quyền sử dụng đất ở, đất 02...
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến với đồng bào, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước nhìn nhận, làm tốt nhiệm vụ này, là góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, huyện Bá Thước sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách trợ giúp pháp lý, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Phát huy vị trí, vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được nâng cao chất lượng. Đây là cơ sở, nền tảng để huyện Bá Thước thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn nói riêng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung.
Hiện nay, huyện Bá Thước đang tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình MTQG; thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN nói chung, Người có uy tín trong đồng bào DTTS nói riêng đảm bảo kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Đồng thời, chú trọng tăng cường sự phối hợp giữa Người có uy tín với các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ quy định của pháp luật; đấu tranh, phòng ngừa và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xóa bỏ các tập quán lạc hậu, trái quy định của pháp luật hiện hành. Nỗ lực đưa huyện Bá Thước nhanh thoát nghèo theo hướng bền vững trong giai đoạn phát triển mới.