Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Bá Thước (Thanh Hóa): Hướng đến mục tiêu năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo

Quỳnh Trâm - 06:55, 17/11/2023

Bá Thước là huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Việc triển khai hiệu quả các chương trình MTQG, đặc biệt hiện nay là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719) là động lực, cơ hội để đồng bào DTTS an cư, vươn lên phát triển kinh tế, để các bản làng thay đổi diện mạo hướng đến mục tiêu năm 2025, Bá Thước sẽ ra khỏi danh sách huyện nghèo.

Từ sự đồng thuận, thống nhất

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện Bá Thước đã tập trung cho công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, Nhân dân từ huyện đến xã. 

Đặc biệt, bộ máy Ban chỉ đạo quản lý Chương trình được kiện toàn, hoạt động đi vào nền nếp, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Chuyển đổi từ cơ chế lập kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG theo từng năm, sang lập kế hoạch theo trung hạn giai đoạn 5 năm. Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền và tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát trong thực hiện chương trình theo chiều sâu, trọng tâm vào chất lượng, hiệu quả...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, huyện Bá Thước thăm công trình đường giao thông nông thôn, tại thôn Báng, xã Thành Sơn, được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, huyện Bá Thước kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại thôn Báng, xã Thành Sơn, được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719

Trong quá trình triển khai Chương trình, ưu tiên từng bước hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất theo hướng đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm, ổn định thu nhập cho người dân vùng nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội.

Đến tháng 10/2023, huyện Bá Thước đạt được 2/8 chỉ tiêu theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Dự kiến đến năm 2025 huyện sẽ đạt được 6/8 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.Trong đó, 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt là: Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; 50% xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. 

Theo báo cáo, Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023 huyện Bá Thước được giao 94,612 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển 46,467 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp 48,145 tỷ đồng. Huyện Bá Thước đã giải ngân các dự án thành phần được hơn 47,737 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch giao.

Một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần đã được thực hiện, điển hình như: hỗ trợ nhà ở, đầu tư các công trình nước sạch tập trung cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bảo DTTS và miền núi thuộc nội dung Dự án 1. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tổng số vốn đã hỗ trợ: 4,5 tỷ đồng. Đến nay, đã hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 47 hộ.

Hay đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và MN thuộc Dự án 4. Đã triển khai được 71 công trình, tổng kinh phí hỗ trợ 49.795 triệu đồng; Xây dựng 6km đường giao thông liên xã, kinh phí 9.600 triệu đồng...

Với hàng loạt dự án, tiểu dự án từ Chương trình MTQG 1719 được triển khai đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng núi huyện Bá Thước
Với hàng loạt dự án, tiểu dự án từ Chương trình MTQG 1719 đang góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân vùng thụ hưởng

Còn nhiều thách thức để vượt nghèo

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước chia sẻ, mặc dù đạt một số kết quả tích cực, song còn nhiều thách thức khi triển khai Chương trình 1719, như: trong công tác xây dựng kế hoạch, địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định danh mục, nguồn lực đầu tư, mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Một số văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện nội dung thuộc chương trình còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thống nhất giữa các văn bản.

Đến nay, một số nội dung thành phần còn chưa có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện. Là địa phương có xuất phát điểm thấp nên đến nay, đồng bào DTTS ở khu vực nông thôn, các xã, thôn đặc biệt khó khăn hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững. Nguồn kinh phí hỗ trợ của các Chương trình MTQG đã được phân bổ nhưng chậm, yêu cầu tiến độ giải ngân gấp nên địa phương gặp nhiều khó khăn...

Với những thách thức từ thực tế này, buộc Đảng bộ và chính quyền địa phương linh hoạt, sáng tạo, đoàn kết hơn trong quá trình triển khai Chương trình. Đến nay, kết quả giảm số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia trong giai đoạn 2021- 2023 là 7.334 hộ, đạt 57,67% so với cả giai đoạn năm 2021 - 2025. Trong đó: Năm 2022 giảm: 3.756 hộ đạt 29,49%; Ước thực hiện năm 2023 giảm 3.588 hộ đạt 28,18%.

Huyện cũng đang phấn đấu 2 năm 2024 và 2025, giảm số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 5.400 hộ (giảm 42,33%) để đạt chỉ tiêu. Dự kiến 02/02 chỉ tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn huyện đến năm 2025, sẽ đạt kế hoạch đề ra và Bá Thước sẽ thoát khỏi huyện nghèo.

Với hàng loạt dự án, tiểu dự án từ Chương trình MTQG 1719 được triển khai đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng núi huyện Bá Thước
Chương trình MTQG 1719 được triển khai đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện Bá Thước

Hỗ trợ đầu tư theo hướng tập trung

Ông Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG huyện Bá Thước chia sẻ, từ sự nỗ lực và đoàn kết của cả hệ thống chính trị để khắc phục những tồn tại, vướng mắc. Trước mắt, huyện Bá Thước sẽ phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình; Chủ động phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan, địa phương. 

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Phổ biến rộng rãi các mô hình có hiệu quả, cách làm hay; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò Người uy tín trong cộng đồng dân cư để người dân đồng thuận góp sức thực hiện. Ngoài tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, thì sẽ tuyên truyền trong các hội, chi hội, các đoàn thể chính trị, làm cho tất cả các thành viên đều hiểu và hăng hái tham gia, tạo được sự đồng thuận thống nhất của Nhân dân với chủ trương, kế hoạch thực hiện chương trình của huyện, xã để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025.

“Đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương theo các nguyên tắc cơ chế hỗ trợ quy định. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình dự án khác đang triển khai trên địa bàn huyện, đặc biệt tập trung nguồn lực từ ngân sách để ưu tiên, hỗ trợ đầu tư theo hướng tập trung, có hiệu quả, không dàn trải...”, Ông Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh thêm.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.