Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bá Thước (Thanh Hóa): Khai thác tiềm năng về văn hóa, du lịch để phát triển bền vững

Quỳnh Trâm - 08:22, 15/11/2023

Với đặc thù vùng DTTS và miền núi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, không gian văn hóa đặc sắc sẵn có của đồng bào dân tộc Thái, Mường..., là nguồn tài nguyên vô giá đang được huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hóa) khai thác trong phát triển kinh tế du lịch. Hướng đi này đã, đang giúp nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Bá Thước có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch
Bá Thước có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Khai thác tiềm năng 

Bá Thước có diện tích tự nhiên trên 77 nghìn ha, chủ yếu là rừng núi, với hệ sinh thái đa dạng và khí hậu tương đối ôn hòa. Đây được xem là điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Điều đáng nói là, nhiều thôn, bản người Thái, người Mường còn giữ được không gian văn hóa vùng đặc trưng của đồng bào dân tộc.

Xác định, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, huyện Bá Thước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả.

Huyện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc lập quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm; chú trọng bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đầu tư phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 120 nghìn lượt khách du lịch/năm, khu du lịch sinh thái Pù Luông trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện Dự án 6 Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719), huyện Bá Thước đang thực hiện đầu tư khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy nghề văn hóa phi vật thể thuộc nội dung.

Cụ thể, đầu tư bảo tồn Làng văn hóa thôn Ấm Hiêu, xã Cổ Lũng, tổng mức đầu tư 4 tỷ 890 triệu đồng; Hỗ trợ 2 đội văn nghệ thôn Bầm, xã Thành Lâm và thôn Báng, xã Thành Sơn mua cồng chiêng và trang phục cho đội văn nghệ; Cải tạo sữa chữa nhà văn hóa của 6 thôn kinh phí 1.225 triệu đồng; Hỗ trợ đội văn nghệ thôn Bầm, xã Thành Lâm: 48 triệu; đội văn nghệ thôn Báng, xã Thành Sơn: 48 triệu đồng; Hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân người DTTS 58 triệu đồng.

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch
Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào DTTS

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư một số điểm du lịch có quy mô để tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, có sức thu hút mạnh. Điển hình như Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, bản Đôn, xã Thành Lâm; bản Kho Mường, xã Thành Sơn, Khu du lịch Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, huyện Bá Thước đã khôi phục nghề dệt thổ cẩm làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, làng nghề thôn Tôm, xã Ban Công thu hút 40 lao động... 

Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm tổ chức sưu tầm, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào Thái và xóa bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay, lễ hội...; bảo tồn các thể loại thơ ca, tục ngữ, truyện dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mường, Thái...

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước chia sẻ: Bên cạnh việc phục dựng các làn điệu hát, múa của đồng bào các dân tộc, những năm qua, huyện Bá Thước đã chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; trùng tu, tôn tạo lại các di tích lịch sử, di tích khảo cổ. 

Hiện, toàn huyện có hơn 55 di tích, với nhiều loại hình phong phú như: Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khảo cổ học; số lượng di tích cấp tỉnh được xếp hạng đến nay là 9 di tích, gồm: Mái Đá Điều (xã Hạ Trung), hang Cổ sinh làng Tráng (thị trấn Cành Nàng), hang Thiết Ống (xã Thiết Ống), hang Bụt – hang nước (xã Điền Hạ), hang cá Văn Nho (xã Văn Nho); Đồn, Sân bay Cổ Lũng (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang), thác Hiêu (xã Cổ Lũng), Đền thờ Quận công Hà Công Thái (xã Điền Trung). Có một số địa phương còn tổ chức các hội thi hát ru, Xường Mường, Khặp Thái, thi đánh trống Ràm... được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, hưởng ứng.

 Nhiều thôn, bản người Thái, người Mường còn giữ được không gian văn hóa vùng đặc trưng của đồng bào dân tộc
Nhiều thôn, bản người Thái, người Mường còn giữ được không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào

Thực tế cho thấy, việc gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang tạo đà cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của ngành du lịch huyện Bá Thước. Theo thống kê, hằng năm có khoảng 250.000 lượt khách đến Bá Thước tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế chiếm 30%, tổng doanh thu ước đạt trên 200 tỷ đồng.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Việc kết hợp giữa phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, là định hướng phát triển của huyện nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến những vùng quê Bá Thước để trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở đây. Hướng đi này đã, đang giúp nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc huyện nhà.

"Nhiệm vụ trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo tập trung làm quy hoạch, không riêng Pù Luông, mà tổng thể cả 6 xã trong cụm thành khu du lịch. Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của địa phương là rất lớn, vì vậy, huyện rất mong nhận được sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp du lịch tầm cỡ vào các khu du lịch này, để Bá Thước thực sự là điểm nhấn về du lịch trên bản đồ du lịch không chỉ của tỉnh mà của cả nước và cả thế giới", ông Lò Văn Thắng kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.