Mảnh đất Thọ Xuân là nơi sinh ra nhiều nhân vật lịch sử, với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, có vị Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành tài năng và đức độ. Ông đã có công lao to lớn trong sự nghiệp chống quân ngoại xâm (quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam) giữ gìn nền độc lập của dân tộc. Ông cũng là người có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao và xây dựng, kiến tạo nhà nước Đại Cồ Việt.
Người đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt còn có Thái sư Tống Văn Mẫn, ông đã góp phần giúp nhà vua Lê Hoàn không chỉ đuổi “giặc ngoài” mà còn tránh được “thù trong", ổn định dân chúng phát triển đất nước. Hay ông Hoàng Văn Luyện, là người có trí tuệ thông minh mưu lược, tài trí hơn người, đã lập được nhiều công trạng được triều đình, nhà vua Lê Hoàn ban cho chức tước đáng bậc Phụ quốc Thượng tướng quân, Tham đốc thần vũ tứ vệ quân vụ sự, tước Cẩm Nghĩa Hầu...
Dù đã đi qua nhiều thế kỷ, nhưng trên địa bàn huyện Thọ Xuân còn lưu giữ được khá nhiều công trình văn hóa tâm linh đặc sắc; trong đó, có Đền thờ Lê Hoàn. Đây là ngôi đền được Nhân dân lập nên để tưởng nhớ công ơn của Hoàng đế Lê Đại Hành. Công trình đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2018 và hiện còn lưu giữ được nhiều kiến trúc đặc sắc cũng như mỹ thuật, nghệ thuật truyền thống của thế kỷ XVII.
Bên cạnh sự “đồ sộ” về di tích, Thọ Xuân là quê hương của nhiều lễ hội, trò diễn dân gian độc đáo và đặc sắc. Trong đó, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trò Xuân Phả là một trong những di sản nổi bật, được xem là “độc nhất vô nhị".
Giữ gìn di sản ông cha trao truyền, nhiều năm qua, ông Bùi Xuân Hùng và 15 nghệ nhân ở xã Xuân Trường đã tình nguyện thành lập, duy trì hoạt động Câu lạc bộ bảo tồn, phát triển trò diễn Xuân Phả. Bận rộn, tất tả với cuộc sống mưu sinh, nhưng các nghệ nhân vẫn dành thời gian chế tác con trò, sưu tầm dữ liệu, duy trì tập luyện, hướng dẫn nhau trau dồi, hoàn thiện trò diễn Xuân Phả.
Cùng với trò Xuân Phả là các trò diễn đặc sắc của một bộ phận người Mường như: Lễ hội Mường Tiên bạn, múa Pồn Pôông, nhảy sạp, cồng chiêng, đánh mảng, ném còn, các điệu hát xường, mo Mường, hát ca công trên hồ Bàn Thạch... Bên cạnh đó, hằng năm, các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức trang trọng như: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội làng Xuân Phả, Lễ hội Lê Thánh Tông, các lễ hội kỳ phúc của các làng gắn với các đình, chùa, đền... thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Hải cho biết: Phát huy truyền thống vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, cách mạng, đồng thời sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thọ Xuân đã không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực cùng với ngân sách huyện, tỉnh tập trung xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích.
Trong 2 năm qua, toàn huyện có 18 di tích được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp, với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng. Cùng với đó huyện đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử, di sản văn hóa; hình thành và kết nối các Tour du lịch tới các di tích, danh thắng, làng nghề truyền thống... Giai đoạn 2022 -
2025, huyện đã xây dựng, ban hành đề án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch.