Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bắc Giang: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Ngọc Diệp - 08:25, 14/06/2023

Bắc Giang là tỉnh miền núi có 9 huyện, 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch trong đó đặc biệt gắn việc bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch.

Điệu múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chỉ (thuộc nhóm dân tộc Sán Chay) tại Lễ hội Đình Lạnh (xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động)
Điệu múa Tắc Xình của người Sán Chí (thuộc dân tộc Sán Chay) tại Lễ hội Đình Lạnh (xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động)

Theo kết quả phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng DTTS và miền núi. Với 45 thành phần DTTS, trong đó, 6 thành phần DTTS chủ yếu chiếm số đông, là: Dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Sán Chí và Cao Lan) và Dao. Mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng, với nhiều nét văn hóa phi vật thể độc đáo, từ tiếng nói, chữ viết, thêu thùa, múa, dân ca… đến những lễ hội. 

Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 500 lễ hội, phần lớn các lễ hội gắn liền với tín ngưỡng dân gian, các di tích lịch sử văn hóa và những nhân vật được thờ cúng trong di tích. Chính vì vậy, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là bảo tồn song hành văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong một không gian văn hóa cụ thể. 

Thực tế cho thấy, mỗi lễ hội lại có những đặc điểm riêng biệt, thể hiện rõ những nét đặc trưng văn hóa vùng miền. Chẳng hạn dọc bờ sông Cầu, các di tích chủ yếu thờ Thánh Tam Giang, nên lễ hội ở vùng này thường có hội bơi chải, vật cầu nước… thể hiện được "phần hồn” của di tích. Hay như đền Từ Hả, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thờ đức thánh Vũ Thành (tức tướng quân Thân Cảnh Phúc, thời Lý), người có công lớn trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ XI, lễ hội nơi đây ngoài tục làm bánh dày còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc khác như: kéo co, đu tiên, võ cổ truyền...

Ngoài ra, ở vùng Lục Nam, lễ hội Tòng Lệnh, xã Trường Giang mang màu sắc nông nghiệp, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội Yên Thế trong cả phần rước, phần lễ cho đến những hoạt động trong hội đều thể hiện rõ nét tinh thần thượng võ…

Để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của những lễ hội. Chẳng hạn như, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn của các Chương trình MTQG và xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp, trùng tu, sửa chữa hơn 300 di tích lịch sử từ năm 2005 đến nay. Cùng với trùng tu, nâng cấp di tích, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo tổ chức các lễ hội theo nếp sống văn minh, lành mạnh, để các lễ hội thực sự là hoạt động tín ngưỡng dân gian của Nhân dân; bài trừ tệ nạn xã hội cũng như hoạt động mê tín dị đoan…; khôi phục những nét văn hóa đặc trưng, các trò chơi dân gian gắn liền với mỗi mảnh đất, con người.

Điển hình như tại huyện Sơn Động (Bắc Giang)- một huyện vùng cao của tỉnh, với 30 thành phần dân tộc, trong đó DTTS chiếm 57%. Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ cấp bách, xuyên suốt, lâu dài.

Hằng năm, từ các nguồn vốn, huyện đã ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng, thành lập các tổ đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện đã tiến hành bảo tồn, tôn tạo 17 di tích lịch sử, văn hóa; tổ chức 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; phục dựng 10 nghi lễ, đám cưới văn minh của các dân tộc Dao, Cao Lan, Tày…

Lễ hội bơi chải làng Chẽ, thị trấn An Châu - nét bản sắc văn hóa riêng của cư dân vùng miền núi Sơn Động, tỉnh Bắc Giang
Lễ hội bơi chải làng Chẽ, thị trấn An Châu huyện Sơn Động

Năm 2022, UBND huyện ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc huyện Sơn Động giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, ngoài di tích lịch sử và danh thắng Tây Yên Tử đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội bơi chải (thị trấn An Châu); phục dựng huyền tích (Giếng Tiên, Hòn đá Đĩ) trong quần thể Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử; phục dựng Hội hát Sình ca của người Cao Lan; nghệ thuật hóa Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao. Duy trì Hội hát Then - đàn Tính (dân tộc Tày), hát Sloong hao (dân tộc Nùng) kết hợp với chợ phiên vùng cao; đưa nội dung hát Then - đàn Tính vào đào tạo ngoại khóa ở các trường tiểu học, THCS...

Xác định giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc trong huyện là nguồn lực cho phát triển KT-xã hội, nhất là phát triển du lịch, huyện Sơn Động đang nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Theo đó, năm 2023, huyện phân bổ gần 5 tỷ đồng vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại thôn Nà Ó (xã An Lạc), bản Mậu (thị trấn Tây Yên Tử), bản Nà Hin (xã Vân Sơn), du lịch sinh thái Hồ Khe Chão (xã Long Sơn), Khe Nương Dâu (xã Tuấn Đạo), Núi Mục - Ba Tia (Tây Yên Tử).

Theo ông Nguyễn Hữu Phương -Giám đốc Ban Quản lý di tích, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là bảo tồn song hành văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong một không gian văn hóa cụ thể. Tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội gắn với đó là tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh. Trong đó, ngoài việc duy trì tổ chức, các cấp chính quyền cần tạo cho lễ hội một không gian trong sạch, thực sự là hoạt động tín ngưỡng dân gian của Nhân dân, đặc biệt là tôn trọng vai trò chủ thể văn hóa của Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.