Để tiếng chiêng mãi ngân
Thôn Đăk Kang Yốp, xã Đăk Hring là cộng đồng dân cư tiêu biểu của huyện Đăk Hà nỗ lực bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Toàn thôn có hơn 120 hộ với 600 nhân khẩu là người dân tộc Ba Na. Việc thiếu cồng chiêng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, trong các lễ hội truyền thống của làng ít được duy trì vì thiếu cồng chiêng và số người biết sử dụng cồng chiêng còn rất ít.
Trước tình hình trên, tháng 9/2022, UBND huyện Đăk Hà đã tổ chức trao tặng cồng chiêng cho cán bộ và Nhân dân thôn Đăk Kang Yốp. Trước đó, UBND huyện Đăk Hà cũng đã tổ chức mở lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho thanh thiếu niên và Nhân dân trên địa bàn thôn. Qua lớp học, thôn có trên 50 người biết biểu diễn cồng chiêng, thuộc các điệu xoang truyền thống của người Ba Na.
Bên nhà rông truyền thống, cùng với bộ cồng chiêng mới, các nghệ nhân và bà con thôn Đăk Kang Yốp đã hồ hởi biểu diễn các bài cồng chiêng - xoang truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Từ đây, tiếng cồng, tiếng chiêng và những lễ hội truyền thống sẽ lại ngân vang bên nhà rông để gắn kết tình nghĩa xóm làng, động viên bà con lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Ông A Nhơn thôn Đăk Kang Yốp chia sẻ: “Có nhà rông, có cồng chiêng, bà con cùng sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các sự kiện, lễ hội quan trọng của thôn. Tiếng cồng chiêng rộn rã khiến bà con rất phấn khởi và cùng nhau giữ gìn văn hóa truyền thống cho làng”.
Không chỉ cấp tặng cồng chiêng, tỉnh Kon Tum còn mở các lớp truyền dạy cồng chiêng. Những lớp truyền dạy trong làng và trong cả trường học đã góp phần giúp tiếng cồng chiêng càng được nối dài, ngân xa hơn. Vì không muốn văn hóa truyền thống dần bị mai một, nhiều nghệ nhân tại Kon Tum đã hỗ trợ nhà trường dạy cồng chiêng cho học sinh. Nghệ nhân Ưu tú A Biu (Tp. Kon Tum) là một trong những người tích cực truyền dạy cồng chiêng cho các em DTTS.
“Những lúc được truyền dạy, tôi thấy rất mừng vì khơi dậy được niềm đam mê cồng chiêng - múa xoang trong các cháu. Những thế hệ trẻ sẽ biết phát huy tiếng cồng chiêng và cũng là để giữ lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, nghệ nhân A Biu chia sẻ.
Em Y Hân là thành viên của đội xoang Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng phấn khởi nói: “Trước kia, em có dịp theo cha mẹ tham dự các lễ hội văn hóa lớn nhỏ của làng. Khi thấy các bà, mẹ nhịp nhàng, uyển chuyển trong điệu xoang em rất thích. Do đó, khi nhà trường thành lập đội cồng chiêng - múa xoang em đăng ký tham gia. Giờ đây em không chỉ biết múa xoang mà còn đánh được cả cồng chiêng”.
Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống
Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025” và đã đạt được những kết quả nhất định: Trang bị cồng chiêng, trống cho các làng đồng bào các DTTS tại chỗ; các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng không có cồng chiêng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Kon Tum đã trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn/làng đồng bào DTTS tại chỗ không có cồng chiêng. Đã tổ chức truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa (xoang) và các bài chiêng truyền thống cho các làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm. Bằng nguồn vốn Chương trình MTQG, công tác bảo vệ văn hóa phi vật thể có thêm “trợ lực” tích cực. Cụ thể, tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng 7 DTTS thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025). Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum.
Tại cuộc họp đánh giá công tác triển khai bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc nhấn mạnh: Công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025; do vậy, đề nghị các đơn vị, địa phương kịp thời tháo gỡ các các khó khăn, vướng mắc; chủ động bố trí nguồn kinh phí, phấn đấu 100% các làng DTTS có nhà rông, có cồng chiêng; tăng cường công tác giáo dục di sản văn hóa truyền thống; nghiên cứu, phục hồi các loại hình di sản văn hóa có tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; chuẩn bị đầy đủ điều kiện tại các thôn, làng đồng bào DTTS được chọn đề nghị cấp thẩm quyền xem xét công nhận điểm du lịch. Đồng thời, triển khai thực hiện đảm bảo, có hiệu quả các nội dung trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh.