Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sân trường vang vọng tiếng chiêng ngân: Hiệu quả tích cực từ các mô hình (Bài 2)

Lê Hường-Ngọc Thu - 09:27, 07/04/2023

Ngoài sự chủ động của các nhà trường, thời gian vừa qua, nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên đã khuyến khích, tạo điều kiện để các trường học đưa văn hóa truyền thống nói chung, cồng chiêng nói riêng vào giảng dạy. Đến nay, việc truyền dạy văn hóa truyền thống đã được các trường học áp dụng rộng rãi và đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, ở nhiều trường học cũng đang gặp một số khó khăn nhất định, nhất là việc thiếu dụng cụ, nhạc cụ để truyền dạy và duy trì di sản văn hóa truyền thống.

Các em học sinh trường Tiểu học-THCS Nay Der biểu diễn tại Hội thi vòng xoang
Các em học sinh trường Tiểu học-THCS Nay Der biểu diễn tại Hội thi vòng xoang

Lan tỏa rộng rãi

Ngoài hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh cũng đang được các trường công lập trên địa bàn Tây Nguyên quan tâm. Các trường đã áp dụng nhiều cách làm để tạo sự hào hứng và giáo dục ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa cho học sinh.

Thầy Võ Trí Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Nay Der, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, người tiên phong khởi xướng hội thi “Nét đẹp vòng xoang” trong trường học chia sẻ: Năm 2011, tôi lên kế hoạch khởi xướng hội thi “Nét đẹp vòng xoang”. Điều làm tôi vui mừng là các em học sinh nhà trường rất nhiệt tình tham gia, học hỏi lẫn nhau để nhịp xoang thêm nhịp nhàng. Ngoài ra, nhà trường còn được cấp 1 bộ cồng chiêng và được nghệ nhân trong tỉnh về truyền dạy. Đội cồng chiêng của trường thường xuyên biểu diễn tại các chương trình văn nghệ của huyện, tham gia liên hoan cồng chiêng do tỉnh tổ chức và đạt giải cao.

Trực tiếp tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho sinh viên, học sinh DTTS ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nghệ nhân ưu tú A Biu ở thành phố Kon Tum chia sẻ: Trải qua một thời gian truyền dạy, mình thấy rất mừng, vì đến nay nhiều cháu học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 yêu thích và đam mê cồng chiêng - múa xoang. 

"Việc đưa văn hoá truyền thống vào trường học sẽ bồi đắp cho các em học sinh thêm nhiều kiến thức, nét đẹp truyền thống để thế hệ trẻ trân trọng, giữ gìn và lan tỏa. Đây chính là niềm hạnh phúc của nghệ nhân chúng tôi khi thấy thế hệ trẻ kế cận, phát huy những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình", nghệ nhân A Biu nói..

Theo thầy Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, việc đưa âm nhạc Tây Nguyên vào trong các trường học đã được ngành giáo dục Đắk Lắk thực hiện từ năm 2003, và đã được hệ thống hoá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cồng chiêng trong chương trình giáo dục địa phương của tỉnh Đắk Lắk được giới thiệu theo các cấp học, được áp dụng tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Kiến thức về cng chiêng nằm trong tổ hợp kiến thức nghệ thuật dân gian Tây Nguyên.

Đội chiêng của Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng, tỉnh Kon Tum đang tập luyện
Đội chiêng của Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng, tỉnh Kon Tum đang tập luyện

Cụ thể như, cấp tiểu học, giáo trình giới thiệu sơ lược về hình ảnh cồng chiêng, phân biệt được chiêng đồng, chiêng tre. Cấp THCS giới thiệu cồng chiêng theo hệ thống nhạc cụ của dân tộc Ê Đê và M’Nông, hai dân tộc đặc trưng ở Đắk Lắk. Cấp THPT giới thiệu về không gian văn hoá cng chiêng, chú trọng vào biểu diễn và môi trường diễn tấu trong các lễ thức và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Ê Đê và M'Nông. 

Hiện nay, việc dạy học sinh đánh cồng chiêng đã được các trường THCS, đặc biệt là các trường PTDTNT triển khai. Đối với cấp THCS, các em được học đánh ching kram (chiêng tre), ở cấp THPT các em được học đánh chiêng đồng. Những năm gần đây, nhiều trường học tham gia biểu diễn các tiết mục văn hóa cồng chiêng trong chương trình liên hoan âm nhạc Giai điệu Tuổi hồng.

"Sở rất khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để các trường học trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức các CLB, chương trình ngoại khóa để giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc", thầy Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho hay. 

Cần tiếp tục quan tâm, đầu tư 

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên có nhiều biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện để các trường học đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy. Minh chứng như ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, có hơn 95% đồng bào dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Mong muốn các nét văn hóa độc đáo của đồng bào Xơ Đăng có người kế tục, huyện tạo cơ chế khuyến khích các trường học tổ chức truyền dạy cồng chiêng cho học sinh. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình, khuyến khích các trường mở lớp truyền dạy cồng chiêng, hỗ trợ cho các trường học mượn chiêng dạy học nhằm duy trì, phát huy di sản văn hóa của đồng bào Xơ Đăng nói riêng, các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung.

Đội chiêng của Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng, tỉnh Kon Tum đang tập luyện
Đội chiêng của Trường PTDT bán trú THCS Hai Bà Trưng, tỉnh Kon Tum đang tập luyện

Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho hay: trong những năm qua, đơn vị đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đưa cồng chiêng vào dạy học, đặc biệt ở các trường PTDTNT và bán trú. Không những thế, từ năm 2016 đến nay, Hội diễn Cồng chiêng - Xoang học sinh trường PTDTNT, bán trú tỉnh Kon Tum luôn được duy trì 2 năm/lần. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ, giáo viên và học sinh gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều trường học cũng đang gặp một số khó khăn nhất định, nhất là việc thiếu dụng cụ, nhạc cụ để truyền dạy văn hóa truyền thống, như việc không có cồng chiêng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc truyền dạy.

Như ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đang triển khai rất tốt việc đưa cồng chiêng vào trường học. Sau mỗi khóa học, các em đều có thể chơi được những bài chiêng hay. Thầy Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Giáo dục và Đào huyện huyện Kon Rẫy cho biết: Phòng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, mời những nghệ nhân giỏi tham gia, mở thêm lớp học đánh cồng chiêng tại các trường bán trú trên địa bàn huyện. Nhưng hiện nay, một số trường không có bộ cồng chiêng để học và duy trì việc luyện tập nên việc giảng dạy gặp không ít khó khăn. 

"Để triển khai hiệu quả việc truyền dạy cồng chiêng cho học sinh các trường, huyện rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ để nhà trường có nhạc cụ, dụng cụ học tập và duy trì luyện tập", thầy Trí mong muốn.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cho rằng, nhạc cụ dân tộc đã gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Việc quan trọng là tiếp sức, truyền lửa đam mê cho giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, để các em cảm nhận và hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng. 

Để công tác giảng dạy được mở rộng và thuận lợi, thì việc đầu tư, hỗ trợ dụng cụ học cho các nhà trường truyền dạy và để học sinh luyện tập là rất cần thiết, cần được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên ngành xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.