Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tìm lại “hồn” chiêng

Thùy Dung - 12:14, 31/03/2023

Cồng chiêng là một di sản văn hóa vô cùng quý giá và đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, nhiều cồng chiêng đã bị bán, thất lạc dẫn đến tình trạng “chảy máu”. Trước thực trạng trên, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai cùng đồng bào đã chung tay nỗ lực tìm lại “hồn” chiêng, đưa cồng chiêng trở lại với buôn làng.

Đội nghệ nhân của xã Ia O biểu diễn cồng chiêng tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng của huyện Ia Grai, hồi tháng 11/2022.
Đội nghệ nhân của xã Ia O biểu diễn cồng chiêng tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng của huyện Ia Grai, tháng 11/2022

Giữ gìn chiêng quý

Từ bao đời nay, cồng chiêng gắn bó với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Trong màn đêm phảng phất hương rượu cần và chập chờn ánh lửa, âm thanh cồng chiêng vút cao bên những điệu múa, điệu xoang uyển chuyển vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi đại ngàn Tây Nguyên.

Đi qua hơn hàng chục mùa rẫy, già Rơ Châm Hyai, dân tộc Gia Rai ở làng Mit Jep, xã Ia O (huyện Ia Grai) vẫn nhớ như in những bài chiêng truyền thống gắn bó với cả cuộc đời ông. “Cồng chiêng đại diện cho tiếng nói, tâm tư của người làng đến với thần linh, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà no đủ. Chiêng gắn với những ngày hội làng, những đêm khan truyền thống và theo con người cho đến lúc về với cõi A Tâu”, già Rơ Châm Hyai giải thích.

Anh Đinh Plih (ngoài cùng bên trái) là một trong những nghệ nhân tâm huyết giữ gìn văn hóa cồng chiêng. (Ảnh: NVCC)
Anh Đinh Plih (ngoài cùng bên trái) là một trong những nghệ nhân tâm huyết giữ gìn văn hóa cồng chiêng. (Ảnh: NVCC)

Cũng bởi yêu chiêng, người dân trên địa bàn xã Ia O, ai ai cũng giữ gìn chiêng quý. Theo thống kê của ngành Văn hóa, hiện nay, xã Ia O còn khoảng 350 bộ chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng quý, có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Xã Ia O, cũng là địa phương còn giữ được nhiều chiêng nhất của huyện Ia Grai.

Gia đình ông Ksor Hơn, dân tộc Gia Rai là một điển hình trong việc gìn giữ cồng chiêng. Hiện nay, gia đình ông lưu giữ được 9 bộ chiêng quý. Ông Ksor Hơn chia sẻ: “Trải qua bao khó khăn nhưng chưa lúc nào tôi có ý định bán chiêng. Đối với tôi chiêng là máu thịt, là cội nguồn của dân tộc mình”.

Làng Kte-Kchăng, xã Đak Song (huyện Kông Chro) cũng là một địa phương còn gìn giữ được những nét đẹp của văn hóa cồng chiêng của dân tộc Ba Na. Theo lời anh Đinh A Lênh, Đội trưởng Đội cồng chiêng của làng, cồng chiêng đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng buôn làng. Bởi lẽ đó, cả làng Kte-Kchăng đều gìn giữ nét đẹp văn hóa này bằng cách truyền lại qua nhiều thế hệ.

Đưa cồng chiêng vươn xa

Không chỉ giữ gìn, phát huy di sản cồng chiêng trong cộng đồng làng, người dân còn đưa văn hóa cồng chiêng vươn ra, tỏa sáng trong khu vực. Từ nhiều năm nay, Đội chiêng của làng Tơ Bla, xã Đak Trôi (huyện Mang Yang) thường xuyên có mặt tại các ngày hội văn hóa ở huyện, tỉnh và khu vực.

Cồng chiêng là di sản văn hóa quý giá và đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.
Cồng chiêng là di sản văn hóa quý giá và đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên

Ông Brôl - Đội trưởng Đội chiêng làng Tơ Bla chia sẻ: “Ở làng mình, ai cũng thích đánh chiêng. Khi được mời đi tham dự các hoạt động giao lưu văn hóa ở tỉnh và huyện, ai cũng phấn khởi tập luyện ngày đêm...”.

Còn ở làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang, anh Đinh Plih cũng là một trong những nghệ nhân đa tài của làng. Từ tháng 4/2018, anh đã được mời ra Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) để trình diễn cồng chiêng, giới thiệu văn hóa, dân ca, dân vũ Ba Na cho khách du lịch.

Anh Đinh Plih chia sẻ: “Mình rất vinh dự khi là một trong những nghệ nhân được mời ra Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội. Ở đây mình thực hiện nhiệm vụ đón tiếp khách, diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ cho các du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về văn hóa Tây Nguyên mình. Thông qua đó, mình cũng giới thiệu đến du khách các sản vật của địa phương để tăng thêm thu nhập cho bà con”.

“Văn hóa Tây Nguyên không chỉ có cồng chiêng mà có cả đan lát, tạc tượng gỗ, hát kể sử thi… Hiện nay, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền, sự nỗ lực bảo tồn di sản của những nghệ nhân đã giúp văn hóa Tây Nguyên ngày càng đến gần hơn với tất cả mọi người”, Đinh Plih chia sẻ thêm.

Chung tay bảo tồn di sản

“Để trao truyền di sản văn hóa của cha ông cho thế hệ trẻ, từ năm 2018 đến nay, tôi cùng các già làng đã vận động và truyền dạy cho các cháu thanh thiếu niên cách đánh chiêng. Các cháu biết cách chơi chiêng mới giữ được hồn chiêng của làng mình”.

Anh Đinh A LênhĐội trưởng Đội cồng chiêng làng Kte-Kchăng

Bà Lê Thị Phương Loan - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai cho biết: “Cồng chiêng là một phần máu thịt của đồng bào Gia Rai sinh sống trên địa bàn. Đồng bào tâm niệm rằng, có nhiều chiêng thì có nhiều thần chiêng phù hộ, mùa màng bội thu, con cái ngoan ngoãn, hiếu thuận nên họ luôn gìn giữ cồng chiêng trong nhà. Hiện nay, huyện Ia Grai là huyện lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất tỉnh Gia Lai.

“Trong những năm sắp tới, huyện Ia Grai cũng đề ra nhiều giải pháp và chiến lược lâu dài, bền vững như hằng năm tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng để gắn kết cộng đồng với nhau. Từ đó giúp bà con thêm yêu văn hóa.giữ gìn di sản của dân tộc mình”, bà Loan cho biết thêm.

Thời gian qua, huyện Ia Grai đã tổ chức nhiều hoạt động gắn liền với di sản cồng chiêng thu hút hàng ngàn lượt khách đến thăm và trải nghiệm. Tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng tổ chức vào đầu tháng 11/2022 đã thu hút gần 30.000 lượt du khách. Tại những ngày hội này, người dân địa phương đã bán được những sản vật, ẩm thực địa phương, nhờ vậy họ cũng có thêm thu nhập và động lực để tiếp tục bảo tồn di sản.

Tính riêng trong năm 2022, ngành Văn hóa tỉnh Gia Lai đã có rất nhiều hoạt động đưa cồng chiêng đến gần hơn với công chúng như: Tổ chức Ngày hội văn hóa các DTTS lần thứ nhất, thu hút hơn 700 nghệ nhân tham gia. Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Gia Lai diễn ra vào cuối năm 2022 thu hút hơn 500 nghệ nhân của Tp. Pleiku trình diễn cồng chiêng trên đường phố và tái hiện các nghi lễ truyền thống… Cũng trong năm 2022, Sở VHTT&DL đã đưa hoạt động "Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm" phục vụ khách du lịch.

Một tiết mục cồng chiêng đường phố Gia Lai.
Một tiết mục cồng chiêng đường phố Gia Lai

Vừa qua (tháng 1/2023), UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định 09/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 với kinh phí dự kiến 16,4 tỷ đồng. Đề án nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na, Gia Rai. Từng bước khôi phục không gian văn hoá cồng chiêng trong đời sống cộng đồng dân tộc. Đồng thời, quảng bá rộng rãi về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.