Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có một phong trào "diệt trừ cây lá ngón"

H.Đại - P.Nguyên - 08:27, 30/09/2022

Loại bỏ cây lá ngón ra khỏi cộng đồng; không còn tình trạng người dân tự tử bằng cây lá ngón... Đó là thông điệp, là phương châm hành động của thanh niên huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, nhằm hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào diệt trừ cây lá ngón do Đoàn thanh niên huyện Đăk Glei phát động năm 2019.

Đoàn viên thanh niên tham gia diệt trừ cây lá ngón
Đoàn viên thanh niên tham gia diệt trừ cây lá ngón

Những cái chết tức tưởi

Theo giới thiệu của cán bộ Huyện đoàn Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, chúng tôi vượt hơn 20 km, từ trung tâm huyện đến xã biên giới Đăk Nhoong, nơi được xem là khởi đầu của phong trào thanh niên tham gia diệt trừ cây lá ngón

Chia sẻ với phóng viên, chị Y Ngài - Phó Bí thư Đoàn xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho biết: Khoảng năm 2018 trở về trước, tình trạng bà con người Gié Triêng ở trên địa bàn xã chết vì lá ngón rất nhiều. Thời điểm đấy, chỉ cần cặp vợ chồng nào cãi nhau, họ cũng tìm đến lá ngón, có những rắc rối gì, lục đục trong gia đình, có những uẩn khúc, có những oan ức gì đó, người ta cũng tìm đến lá ngón để tự tử.

Trước những cái chết thương tâm đó, năm 2019, Đoàn xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei đã phát động phong trào diệt trừ cây lá ngón đến tất cả 7 chi đoàn trong xã. Định kỳ 1 tháng 1 lần, các đoàn viên thanh niên dành ra 1 ngày để diệt trừ cây lá ngón. Ngoài việc chặt cây, lá, hoa, các đoàn viên còn đào tận gốc rễ đem đi tiêu hủy, tại vì chỉ còn sót lại một phần rễ thì cây có thể tiếp tục phát triển. 

Anh A Dưỡng - Bí thư Chi đoàn thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho biết: Bản thân tôi thấy việc diệt trừ cây lá ngón này là rất có ý nghĩa. Bởi đây là loại lá có chất độc rất nguy hại đối với con người, nhiều người không biết họ ăn phải cũng chết; có người biết rồi nhưng suy nghĩ uất ức gì đó, thì cũng hái lá ngón để tự tử. Vì vậy, khi Đoàn xã phát động, Chi đoàn thôn triển khai xuống các đoàn viên tham gia rất nhiệt tình. Ngoài kế hoạch 1 tháng 1 lần, các đoàn viên khi đi làm gặp cây lá ngón cũng tự giác nhổ bỏ.

Triển khai từ năm 2019, đến nay, các đoàn viên thanh niên đã  thu gom và đã đem đi tiêu hủy gần 500 kg cây lá ngón. Việc làm của các đoàn viên thanh niên đã nhận được ủng hộ của người dân trên địa bàn xã. Qua đó, thời gian gần đây, trên địa bàn đã không còn xảy ra tình trạng người dân tự tử bằng cây lá ngón.

Thu gom và tiêu hủy cây lá ngón
Thu gom và tiêu hủy cây lá ngón

Để không còn nỗi đau mang tên lá ngón

Ở huyện Đăk Glei nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung, cây lá ngón mọc ở nhiều nơi, nhất là dọc hai bên đường. Hoa lá ngón có màu vàng rất sặc sỡ và nhiều người không biết dễ dẫn đến hái nhầm. Vì vậy, ngoài việc diệt trừ, các đoàn viên thanh niên còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân và các em học sinh nhận biết được cây lá ngón và những tác hại của nó gây ra.

"Những lúc họp thôn, Chi đoàn đã lồng ghép nội dung tuyên truyền cho thanh niên tham gia diệt trừ lá ngón. Tuyên truyền lúc sinh hoạt Hè cho các em thiếu nhi, phân tích rõ tác hại của cây lá ngón để các em biết tránh, trong lúc đi học nhìn thấy khỏi đụng chạm",  anh A Sấu - Bí thư Chi đoàn thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho hay.

Xuất phát từ cách làm ở Đoàn xã Đăk Nhoong, Huyện đoàn Đăk Glei đã phát động phong trào diệt trừ cây lá ngón đến toàn thể 12 tổ chức Đoàn xã, thị trấn trên địa bàn huyện và nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của đoàn viên thanh niên.

Anh Bi ở thôn Kon Riêng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei cho biết: Với đặc thù cây lá ngón sinh trưởng, phát triển nhanh và có ở mọi nơi, vì vậy chúng tôi vẫn đang duy trì phong trào diệt trừ cây lá ngón, bởi vì loại cây này không phải mình làm một, hai lần là nó chết, phải rất lâu, rất nhiều lần mình đào rễ, phơi khô và đốt thì cây lá ngón mới có thể không mọc lại được", chị Y Ngài, Phó Bí thư Đoàn xã Đăk Nhoong cho biết.

Theo thống kê, 3 năm trở lại đây trên địa bàn huyện Đăk Glei không còn tình trạng người dân tự tử bằng cây lá ngón. Bằng việc làm thiết thực, ý nghĩa, các đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Đăk Glei, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của cây lá ngón và đặc biệt là đã giúp người dân biết được cách xử lý những mâu thuẫn trong gia đình một cách đơn giản nhất, tránh tìm đến cây lá ngón để kết liễu cuộc sống.


Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.