Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thiên tai không chờ kinh phí: Nỗi đau vùng thiên tai (Bài 2)

Thanh Nguyễn - 21:34, 07/11/2023

Mỗi năm, thiên tai đã “cướp trắng” hàng trăm tỷ đồng ở Nghệ An biến bản, làng... tiêu điều hơn, xơ xác hơn sau lũ, sau sạt lở. Con số thiệt hại ấy, bằng rất nhiều năm thu ngân sách của những huyện nghèo nơi miền biên viễn khiến địa phương đã nghèo càng thêm nghèo.

Bản Hòa Sơn xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn xác xơ sau lũ dữ 2022
Bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn xác xơ sau lũ dữ 2022

Bản làng tan hoang

Trở lại với tâm lũ lụt ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), nhiều người đã lắc đầu, không dám hình dung tiếp về những vệt bùn còn sót lại trên những bức tường, bậu cửa. Thảm họa lũ lụt hồi đầu tháng 10/2022 ở Tà Cạ không chỉ là người mất, trâu bò chết, xe cộ ngập ngụa trong bùn đất… mà còn khiến hàng chục hộ dân rơi vào cảnh mất nhà cửa. 

Chủ tịch UBND xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) Vi Văn Mằn xót xa: Hiện đang có 16 hộ phải ở tạm trong lều, lán ở vị trí cũ; 6 hộ ở nhà người thân; 10 hộ ở nhà tạm tại vị trí khác; 3 hộ ở nhờ khu tập thể tại các trường học và 4 hộ đã tự tìm vị trí mới để xây dựng nhà ở kiên cố. Thiên tai thật bi thương và khắc nghiệt.

Đấy là câu chuyện đã “hơi cũ”. Nếu phải tìm một ví dụ minh chứng cho hậu quả vùng thiên tai ở Nghệ An trong thời gian gần đây thì, lũ lụt vào cuối tháng 9/2023 ở huyện miền núi Quỳ Châu là một ví dụ không thể điển hình hơn. Mưa lớn kết hợp các thủy điện xả lũ khiến nước đổ về nhanh khiến một góc huyện Quỳ Châu ngập trong biển nước. Trong tổng số trên 5.000 người phải di dời, có 1.210 nhà/30 khối bản, nhà ngập sâu từ 1-5m. Thậm chí, có thời điểm, toàn huyện có tới 3 xã, 6 bản bị cô lập hoàn toàn. Đấy là còn chưa kể đến hàng ngàn ha cây trồng, hàng trăm cột điện, hàng ngàn mét đường bị hư hỏng… 

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu thảng thốt: Đúng là thảm họa; huyện miền núi Quỳ Châu chưa bao giờ lũ lụt to đến vậy, gây thiệt hại nặng đến vậy. Tính ra, huyện mất chừng 180 tỷ đồng để khắc phục.

Nhiều ngôi làng ở xã miền núi Thanh Mỹ huyện Thanh Chương ngập trong lũ dữ
Nhiều ngôi làng ở xã miền núi Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương ngập trong lũ dữ năm 2020

Vùng miền núi thấp như huyện Thanh Chương, gần như năm nào cũng xảy ra tình trạng ngập úng trên diện rộng. Ở huyện phía Tây Nam này, người dân vùng Bích Hào hay một số xã thượng huyện như Thanh Mỹ, Hạnh Lâm, Thanh Liên… đã quá quen với lũ lụt, với những thiệt hại của thiên tai gây ra hàng năm. Người dân nơi đây vẫn chưa thôi ám ảnh về trận lũ lịch sử vào cuối tháng 10/2020 khiến xã Thanh Mỹ bị cô lập hoàn toàn. Lũ rút để lại nhà cửa, làng xóm ngổn ngang bùn đất, rác rưởi cùng hàng ngàn ha cây trồng ngả rạp, xiêu vẹo; hàng trăm con gia cầm và gia súc bị chết hoặc cuốn trôi… 

Trò chuyện cùng chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh chậm rãi mà rằng: Bao nhiêu của nả tích cóp, nuôi trồng được… đã bị lũ nhấn chìm. Nước mắt người dân rơi hòa lẫn với dòng nước bạc mà xót xa, đau đớn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An, chỉ tính riêng năm 2022, thiên tai đã “thổi bay” của tỉnh hơn 1.226 tỷ đồng; chưa kể 11 người chết… cùng hàng ngàn ngày công khắc phục. Điều rất đáng quan tâm, trong các loại hình thiên tai xảy ra ở Nghệ An thì sạt lở, lũ ống, lũ quét… gây thiệt hại nặng nề và dai dẳng nhất.

Học sinh mộ trường ở huyện Quỳ Châu phải dỡ ngói trèo lên mái nhà để thoát cơn
Học sinh một trường ở huyện Quỳ Châu phải dỡ ngói trèo lên mái nhà để thoát khỏi cơn lũ vào tháng 9/2023

Thiên tai - Làm sao chế ngự?

Ở vùng đất từng hứng chịu thiên tai, thành ra địa phương nào cũng đã có hẳn cho riêng mình một phương án đối phó với mưa lũ, sạt trượt theo phương châm “4 tại chỗ” trên cơ sở điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị. Nói thế là để thấy rằng, sự chủ động, linh hoạt ứng phó của chính quyền sở tại là có. Còn với người dân, như “con chim sợ cành cong”, cũng bởi chứng kiến quá nhiều thiên tai mà trở nên cảnh giác, đề phòng hơn.

Chúng tôi đã đi qua nhiều vùng từng là thảm họa thiên tai ở xứ Nghệ, chợt nhận ra rằng, “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên quả là quá sức tưởng tượng. Trong khoảnh khắc thiên nhiên “giận dữ” ấy, con người nhỏ bé, yếu đuối đến nhường nào.

Dẫu rằng, đã có các phương án đối phó; nhưng xem ra, các địa phương vẫn tỏ ra “bất lực” trước thiên tai. Cũng bởi, thiên tai khó lường, khó dự đoán; thậm chí dự đoán trúng vẫn gây hậu quả nặng nề; thậm chí phải trả giá bằng cảnh bản làng tan hoang, người mất, nhà tan…

Chính quyền xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn thực hiện ""4 tại chỗ" khi mưa lũ, sạt lở (Trong ảnh: Tập trung di dời tài sản của người dân bản Xiêng Thù khỏi vùng sạt lở)
Chính quyền xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn thực hiện "4 tại chỗ" khi mưa lũ, sạt lở (Trong ảnh: Tập trung di dời tài sản của người dân bản Xiêng Thù khỏi vùng sạt lở)

Tại cuộc họp tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An, báo cáo nội dung thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2022 đã khẳng định: Dù triển khai nhiều biện pháp theo phương châm "bốn tại chỗ", nhưng các đợt mưa lũ, dông lốc, rét hại đã gây thiệt hại cho tỉnh Nghệ An hơn 1.226 tỉ đồng.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trường Thành, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An khẳng định: trong các đợt mưa lũ, nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai của các cấp và cơ quan chuyên môn, theo phương châm “4 tại chỗ” góp phần rất lớn vào việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Dẫu vậy thì thiệt hại từ thiên tai vẫn rất khủng khiếp.

Thiên tai đang ngày càng dị thường hơn - Trong ảnh: di dời người dân đến nơi an toàn ở huyện Con Cuông
Thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện nhiều miền núi tỉnh Nghệ An đang ngày càng dị thường hơn (Trong ảnh: di dời người dân đến nơi an toàn ở huyện Con Cuông)

Cần phải nhìn nhận khách quan là, thời tiết đang ngày càng diễn biến thất thường và cực đoan hơn; thành ra, thiên tai cũng trở nên dị thường, khủng khiếp và nặng nề hơn. Cứ nhìn vào thảm họa thiên tai vào cuối tháng 9/2023 mới đây, ở huyện miền núi Quỳ Châu là rõ ràng nhất. Mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ đã cộng hưởng “cuốn trôi” hơn 180 tỷ đồng của huyện này khiến nhiều người dân trắng tay, chính quyền khốn khổ tìm giải pháp khắc phục…

Thiên tai cứ thế đợt này chưa hết, đợt khác đã tiếp diễn; thậm chí, ở tỉnh Nghệ An, gần như chưa năm nào vắng bóng thiên tai. Cùng với sống thích ứng với thiên tai, người dân Nghệ An đang “mòn mỏi” chờ kinh phí khắc phục, ứng phó từ các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách hạn hẹp, việc trông chờ vào kinh phí đang khiến cho những điểm sạt trượt có nguy cơ cao, những vùng dễ ngập úng và lũ quét… trở nên bất an và ngày càng hiểm nguy hơn.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.