Nhiều kè biến hư hỏng
Ảnh hưởng từ bão số 7 và số 8 đã khiến tuyến bờ kè dọc bãi biển thị xã Cửa Lò (Nghệ An) bị hư hỏng nặng, nứt toác, đổ sập kéo dài hàng chục mét. Chúng tôi đã có mặt ở đây vào thời điểm (ngày 20/10). Qua ghi nhận, tuyến kè ven biển đã bị biến dạng hoàn toàn: Thân kè làm bằng đá hộc xây, mặt kè kết hợp đường dạo bộ và hệ thống cây xanh đã bị sạt lở và đổ sập.
Nghiêm trọng nhất là đoạn kè biển, cách Quảng trường Binh Minh khoảng 500m về phía Cửa Hội bị sóng đánh chuyển vị trí và đổ nghiêng ra biển. Kết cấu kè bằng bê tông trọng lực nứt gãy, đổ nghiêng. Đường dạo bộ vỡ nát, nhiều cây xanh trôi ra biển. Nhiều mảng bê tông, gạch bị sóng hất văng lên bờ, chắn ngang lối dành cho người đi bộ. Ở gần đó, cửa hàng kinh doanh dịch vụ dọc bãi biển cũng bị đá, bê tông từ kè biển hất văng lên, có nguy cơ bị sóng nhấn chìm xuống biển.
Qua tìm hiểu được biết, Dự án kè biển Cửa Lò (Nghệ An) có tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng, thực hiện cho 1,6 km. Ông Doãn Văn Lâm, Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho biết: Sóng biển đánh mạnh đã làm hỏng khoảng 600 m trên toàn bộ tuyến kè.
Cũng do ảnh hưởng mưa bão, triều cường kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, đã khiến kè biển đoạn qua địa bàn thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng, sập và gãy toàn bộ kết cấu bê tông kè, với chiều dài khoảng 40 m. Kè biển xã Thịnh Lộc có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân địa phương sống trong đê. Đồng thời, kè còn có công dụng ngăn mặn, chắn sóng, bảo vệ tài nguyên đất đai, phục vụ người dân sản xuất, neo đậu tàu thuyền, đường giao thông qua lại…
Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho hay: Sáng 20/10, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, đã khiến kè biển đoạn qua địa bàn thôn Yên Điềm bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn kè biển ở thôn Yên Điềm là một phần của dự án tuyến đê biển chống xâm thực có chiều dài khoảng 9km.
Tương tự, nhiều vị trí tại tuyến kè biển Nhật Lệ, xã Quang Phú, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) và tuyến kè biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã bị sụt lún, đứt gãy do mưa bão. Theo đó, tuyến kè biển Nhật Lệ thuộc phường Hải Thành và xã Quang Phú, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) bị đứt gãy, sụt lún tại nhiều vị trí. Tuyến kè dài hơn 860 m, là công trình quan trọng nhằm gia cố, bảo vệ tuyến đường du lịch ven biển Nhật Lệ.
Đây là tuyến kè có vốn xây lắp 26 tỷ đồng, do công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Hà Nội - Quảng Bình thiết kế, Công ty Hải Thành và Công ty Tiến Thành (đều có địa chỉ tại TP. Đồng Hới) thi công.
Trước đó, triều cường, sóng lớn cũng đã đánh sập hàng chục mét kè biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vào chiều ngày 17/10. Tuyến kè biển Nhân Trạch hoàn thành năm 2012, có tổng chiều dài khoảng 2 km, bảo vệ an toàn cho cho các khu dân cư dọc bãi biển, thuộc Dự án “Kè chống sạt lở cấp bách sông Dinh”, với tổng mức vốn đầu tư 61 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục bão lụt 2010.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thông tin: Tuyến kè đã bị sạt lở nặng khoảng 50 m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn tuyến và an toàn của các hộ dân sống phía trong. Chúng tôi rất lo.
Đâu là nguyên nhân?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng sạt lở, đứt gãy trên các tuyến kè ven biển nêu trên, gần như năm nào cũng xảy ra và địa phương đã phải mất rất nhiều ngày công, kinh phí để tu bổ. Nhưng rồi, dường như chỉ là “dã tràng xe cát biển đông”?
Tại bờ kè biển xã Quang Phú, TP. Đồng Hới (Quảng Bình), khi công trình này đang xây dựng vào tháng 10/2020 cũng đã bị sóng biển đánh sập, hư hỏng. Sau đó, các đơn vị thi công đã phải tập trung thi công để bàn giao cho TP. Đồng Hới. Song đợt mưa lũ lần này sóng biển tiếp tục đánh sập hàng trăm mét kè biển. Nhiều đoạn thân kè đứt gãy, sập lún, gãy đổ chồng lên nhau ngổn ngang...
Kiểm tra tại các tuyến kè biển bị sạt lở, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu, UBND TP. Đồng Hới phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường, bàn bạc để tìm biện pháp kỹ thuật hiệu quả nhất sớm khắc phục tình trạng hư hỏng, sập lún của công trình, đồng thời triển khai các biện pháp gia cố nhằm ứng phó với các đợt thiên tai sắp tới.
Còn tại Cửa Lò (Nghệ An), tuyến kè biển nơi đây, đã từng bị sạt lở nặng nề sau đợt mưa lũ hồi tháng 11/2020. UBND thị xã Cửa Lò sau đó đã sửa chữa, gia cố tạm thời bằng rọ sắt, bê tông.
Ông Doãn Văn Lâm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Cửa Lò (Nghệ An) thừa nhận: Đợt mưa bão năm ngoái đã khiến 300 m chiều dài kè đường dạo bộ chắn sóng bị hư hỏng và sụt lún, 500 m chiều dài kè chân biển bị xói lở. Sau khi kè biển bị hư hỏng nặng vào năm ngoái, thị xã đã cho sửa chữa tạm thời, với kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng, chủ yếu là từ nguồn xã hội hóa để phục vụ mùa du lịch. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, một số vị trí lại bị sóng biển đánh sập, gãy đổ.
Trước thực trạng đáng lo khi hàng chục mét kè ven biển bằng bê tông bị đánh sập, xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã phối hợp các lực lượng cùng người dân khắc phục tạm thời bằng bao cát, đá hộc, rọ lưới…hạn chế nguy cơ sạt lở và ăn sâu vào trong đê.
Hiện tại, các địa phương nơi có công trình sạt lở đã gia cố tạm thời, đồng thời lên phương án di dời dân nếu sạt lở vẫn tiếp diễn, nhất là khi có mưa bão.
Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới (Quảng Bình), đơn vị đang nỗ lực làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm các bên liên quan để có hướng xử lý sớm nhất.
Thực tế cho thấy, các tuyến kè biển này đã từng sạt lở trong những năm gần đây. Ngoài, nguyên nhân “mắt thấy tai nghe”, là sóng biển kết hợp triều cường làm đứt gãy hệ thống kè biển, thì dư luận cũng đặt ra một câu hỏi lớn về chất lượng công trình, về năng lực các nhà thầu trong việc khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình…Bởi chúng ta không thể cứ để xảy ra mãi tình trạng: Làm rồi hỏng, để rồi ngân sách nhà nước lại trôi biển một cách lãng phí như vậy.