Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ Sơn (Nghệ An): Nhiều bản tan hoang vì lũ quét

Thanh Hải - 23:46, 02/10/2022

Trận lũ quét rạng sáng ngày 2/10 khiến chúng tôi nhớ lại lời của Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) Vi Hòe đã nói cách nay chưa lâu: “Huyện đang nghèo đi vì thiệt hại của mưa lũ”. Đúng như lời bộc bạch, chỉ phút chốc bản Hòa Sơn ,xã Tà Cạ và khối 1 thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn đã thành bình địa với ngổn ngang đất đá, nhà đổ, cây ngã, người chết…

Lũ quét đi qua, để lại những ngôi nhà chênh vênh bên mép sạt lở
Lũ quét đi qua, để lại những ngôi nhà chênh vênh bên bờ vực

Chưa biết bao giờ mới dọn dẹp xong

Trưa 2/10, mưa đã ngớt và nước lũ cũng đã rút dần. Nhưng các tuyến đường nội bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) và khối 1 (thị trấn) vẫn chưa thể đi lại, vì còn bị sạt lở và ngổn ngang cây cối, đá, bùn đất… Thậm chí, đường giao thông vào xã Tà Cạ và xã Tây Sơn bị ách tắc hoàn toàn, làm cô lập 2 xã Tây Sơn và Tà Cạ, trong đó bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) với 236 hộ và 966 nhân khẩu là người Mông, Thái bị cô lập chưa thể tiếp cận được.

Dấu vết bùn mới hãy còn ướt và hằn hiện ngang bậu cửa, bức tường nhà dân bản Hòa Sơn. Con đường đi vào bản, đã sạt lở gần hết và ngổn ngang bùn, đất, đá, cây cối. Hình ảnh nhói lòng là nhiều ngôi nhà đã bị đổ sập hoàn toàn, nhiều ngôi nhà bùn đất ngập chừng 1m.

Xồng Bá Cha – một người dân ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) vẫn chưa hết bàng hoàng: Nhà ta đang ngủ thì nghe tiếng động lớn, chạy ra cửa thì thấy nước cuồn cuộn cuốn theo đất đá, cây cối. Nhiều nhà trong bản bùn đất lấp quá dày. Chưa biết dọn dẹp đến bao giờ mới hết.

Trên con đường dẫn về bản Hòa Sơn, không còn là con đường nội bản ngày nào. Mà chỉ thấy một dải bùn đất và cây cối, nhuộm màu nâu sẫm xen lẫn những ngôi nhà xiêu vẹo, nứt toác… Còn người dân, khuôn mặt vẫn còn hoảng loạn: “Nhà ta sinh sống ở đây hơn 40 năm, nhưng chưa thấy trận lũ ống, lũ quét nào kinh hoàng như thế. Cơn lũ dữ đã cuốn đi rất nhiều tài sản của bà con trong bản. Dù nhìn thấy tài sản trôi theo dòng nước bùn, nhưng ai nấy đều bất lực trước dòng nước cuồn cuộn chảy xiết. Nước đang rút dần, nhưng việc dọn dẹp bùn đất, khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn”, ông Vi Văn May (sinh 1966) ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) kể.

Một ngôi nhà ở bản Hòa Sơn đã bị đổ sập do lũ quét
Một ngôi nhà ở bản Hòa Sơn đã bị đổ sập do lũ quét

Trận lũ quét sáng 2/10 đã làm một người chết, 15 ngôi nhà bị cuốn trôi, 50 ngôi nhà bị ngập tại bản Hòa Sơn, Bình Sơn, Cầu Tám, xã Tà Cạ và khối 1 thị trấn Mường Xén. Các cơ quan đóng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn như Trung tâm chính trị, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Nhà công vụ UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Đội Thi hành án, Huyện ủy, UBND huyện cũng bị ảnh hưởng nặng nề do bùn đất chảy tràn vào sân, vào nhà làm việc.

Công tác hỗ trợ khắc phục gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi bị chia cắt, nước ngập và sạt lở khiến nhiều tuyến đường không thể lưu thông. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương và lực lượng chức năng khẩn trương trong công tác khắc phục và tiếp tục thống kê những con số thiệt hại do lũ ống, lũ quét gây ra.

Ông Vi HòeBí thư huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An)

Ngay khi xảy ra lũ quét, trong sáng 2/10, UBND huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung huy động các lực lượng tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ. Phương châm được huyện đưa ra là thực hiện tốt “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các đơn vị đảm bảo nhanh nhất thông tuyến giao thông...

Đồng bào cần sự chung tay

Bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ là địa bàn cư trú của người Thái, người Mông. Trong trận lũ quét sáng 2/10, đồng bào bị thiệt hại nặng nề, khi có đến 40 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 4 nhà bị ngập nặng; 10 ngôi nhà bị cuốn trôi… Rất nhiều tài sản trong nhà, cây cối ngoài vườn… đã bị nước lũ cuốn sạch. Thay vào đó là lớp bùn non cùng đất đá và cây cối ngổn ngang.

Tại bản, có 2 điểm trường mầm non và tiểu học của xã Tà Cạ có 20 cháu đang theo học. Lũ quét đã vùi lấp gần hết điểm trường này. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn Phan Văn Thiết lo lắng: Thế này thì chưa biết bao giờ mới dọn dẹp xong để học trở lại. Để khắc phục tạm thời, chúng tôi sẽ bố trí cho các cháu về điểm trường chính xã Tà Cạ (cách 4km), một số cháu về thị trấn Mường Xén để chương trình học không gián đoạn.

Lối vào bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ đã bị bịt cứng bởi đất đá, cây cối
Lối vào bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ đã bị bịt cứng bởi đất đá, cây cối

Theo người dân bản Hòa Sơn, nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi nhà và đồ đạc đang rất khó khăn. Các hộ dân đang phải tá túc tạm ở nhà người quen, chờ thời tiết ổn định mới trở về nhà dọn dẹp.

Hiện tại, đồng bào Thái, Mông ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành nhằm khắc phục nhanh hậu quả lũ quét, sớm ổn định cuộc sống.

Trong báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do lũ quét rạng sáng ngày 2/10, huyện Kỳ Sơn đã kiến nghị các ban ngành tỉnh Nghệ An: Kịp thời cung cấp hàng hóa, vật tư thiết yếu và các nhu yếu phẩm cần thiết khác giúp địa phương, người dân sớm vượt qua thiên tai. Chỉ đạo các ngành liên quan tập trung lực lượng thông tuyến đường Quốc lộ 7 đoạn qua xã Tà Cạ.

Một số hình ảnh do lũ quét gây ra tại huyện Kỳ Sơn

Một góc bản Hòa Sơn
Một góc bản Hòa Sơn
Trụ sở UBND huyện Kỳ Sơn tại khối 1 thị trấn Mường Xén sau lũ quét
Trụ sở UBND huyện Kỳ Sơn tại khối 1 thị trấn Mường Xén sau lũ quét
Một góc thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn
Một góc thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn
Bùn đất ngập đầy lối đi ở thị trấn Mường Xén
Bùn đất ngập đầy lối đi ở thị trấn Mường Xén
Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.