Theo người dân sống dưới chân núi, ngoài việc sạt lở do thiên tai, khu vực này trước đây đã bị khai thác đất ở phần chân núi, điều này đã làm 3 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và 4 hộ khác ảnh hưởng gián tiếp khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gây sạt lở vẫn đang được cơ quan chức năng tìm hiểu.
Ông Vũ Minh Tâm - xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, lo lắng cho biết: "Đá bằng cả gian nhà cứ lao xuống, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Qua thực tế này, tôi đề nghị chính quyền quan tâm hơn để hạn chế những rủi ro về người và tài sản cho bà con".
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị UBND huyện Hậu Lộc sớm khắc phục tình trạng sạt lở núi, ông Tâm cho biết thêm.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc Hoàng Văn Thủy, cho biết: “Tình trạng khai thác đất, đá trái phép tại chân núi Thiều là có. Chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng nhiều lần ra quân xử lý. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian các đối tượng lại đưa máy móc, thiết bị vào khai thác.
Hiện nay, chúng tôi đã tạm giữ 3 phương tiện (2 xe công nông tự chế, 1 ô tô), giao cho Công an xã mời các chủ sở hữu lên để lập biên bản xử lý. Đồng thời thông báo rộng rãi cho người dân nắm được tình hình sạt lở, báo ngay cho chính quyền địa phương khi có đối tượng khai thác trái phép.
Trước mắt, UBND xã Cầu Lộc đã tổ chức cắm biển, khoanh vùng, lập rào chắn cảnh báo tại khu vực có nguy cơ sạt lở, không để người dân, vật nuôi đi vào khu vực này.