Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bình Định: Các huyện miền núi chủ động ứng phó nguy cơ sạt lở đất

T.Nhân - 18:21, 22/10/2023

Hằng năm, mỗi khi bước vào mùa mưa lũ, mối nguy tiềm ẩn từ sạt lở đất vẫn hiển hiện tại các huyện miền núi tỉnh Bình Định. Vì vậy, các địa phương luôn chủ động phòng ngừa, ứng phó với sạt lở.

Các huyện miền núi Bình Định có nhiều điểm nguy cơ sạt lở đất vào mùa mưa
Các huyện miền núi Bình Định có nhiều điểm nguy cơ sạt lở đất vào mùa mưa

Mùa mưa lũ các năm trước, trên địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh thường xuyên xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Các vụ sạt lở này tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng đã làm hệ thống đường giao thông bị hư hại, chia cắt cục bộ ở một số địa phương, khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn.

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, qua khảo sát trên địa bàn hiện có 5 khu vực có nguy cơ về sạt lở đất; trong đó thôn O3 và điểm cao 130 thôn Đăk Tra thuộc xã Vĩnh Kim là 2 khu vực có nguy cơ cao. Tuyến ĐH 33 từ hồ Định Bình đến xã Vĩnh Sơn và đường giao thông từ ngã 3 đèo Vĩnh Sơn đến xã Vĩnh Kim cũng thường xuyên xuất hiện các điểm sạt lở gây chia cắt giao thông, cô lập một số thôn, làng.

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Khi thiên tai xảy ra, sẽ có khoảng 1.460 hộ, trên 4.580 nhân khẩu ở các vùng thường hay bị ngập lụt, vùng nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, vùng bị chia cắt giao thông, cô lập địa bàn phải di dời đến nơi an toàn. Huyện đã chỉ đạo các xã lên phương án di dời dân tới những nơi an toàn khi có mưa lũ lớn xảy ra. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của huyện sẽ hợp đồng với các DN, cá nhân có các thiết bị như máy đào, máy ủi, xe tải. Nếu mưa lũ kéo dài, gây sạt lở, nhất là đường giao thông vào các thôn O3, O5, O2, Đăk Tra, Kon Trú của xã Vĩnh Kim thì ngay lập tức triển khai phương án thông đường nhằm tránh cô lập địa bàn.

Còn tại huyện An Lão cũng có 9 khu vực khả năng sạt lở đất đá, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng địa phương, trong đó nơi khu vực có nguy cơ sạt lở núi cần phải di dời người dân tới nơi an toàn là khu dân cư xóm 3, thôn Trà Cong, xã An Hòa.

Bà Trần Thị Thìn ở xóm 3, thôn Trà Cong, xã An Hòa cho hay: Gia đình tôi cùng hàng chục hộ dân đang sinh sống dưới chân núi Đá đều có chung tâm trạng lo lắng, bất an mỗi khi trời đổ mưa. Bởi, khi trời mưa, nước từ trên núi Đá chảy xuống làm sạt lở đất đá, nước chảy mạnh tạo thành mương nước tự nhiên chảy xoáy vào nhà của các hộ dân gây ngập lụt. “Mỗi khi trời mưa lớn, chúng tôi không dám ngủ vì sợ núi Đá sạt lở bất cứ lúc nào. Mấy ngày nay, trời mưa không lớn nhưng nước trên núi chảy xuống tạo thành đường mương tự nhiên. Nếu trời mưa lớn, nước chảy xoáy vào nhà nên bà con đành phải di dời tới nơi an toàn, khi nào hết mưa lũ mới trở về nhà”, bà Thìn chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên về phương án phòng chống sạt lở, đảm bảo tính mạng cho người dân, Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: Huyện đã xây dựng phương án di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn. Huyện cũng đang quy hoạch khu tái định cư tại thôn Vạn Khánh, cách thôn Trà Cong khoảng 1km và huy động nguồn vốn để xây dựng hạ tầng, bố trí đất ở cho người dân. Cùng đó, tuyến đường từ xã An Hòa đến xã vùng cao An Toàn có 2 điểm sạt lở là suối Tình Cảm và tại Km14+200 thuộc địa bàn xã An Quang, do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đang được sửa chữa, gia cố. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại khi sự cố xảy ra, các địa phương trên đặc biệt lưu tâm, lên phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ.

Các huyện miền núi Bình Định có nhiều điểm nguy cơ sạt lở đất vào mùa mưa
Một điểm có nguy cơ sạt lở cao

Tương tự, trên địa bàn huyện Vân Canh cũng có 2 khu vực có nguy cơ bị chia cắt khi xảy ra sạt lở, gồm: Đường giao thông từ ngã ba Cà Te đi các làng Kà Nâu, Kà Bưng, Kà Bông (xã Canh Liên); đường giao thông từ làng Canh Giao (xã Canh Hiệp) đến thôn Đa Lộc (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). UBND huyện cũng đã quán triệt và chỉ đạo các ngành, địa phương từ nay đến cuối năm không được chủ quan, lơ là; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tập trung thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai xảy ra, trong đó có sạt lở đất.

Nhằm chủ động phòng chống thiên tai và hạn chế rủi ro cho người dân, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh cũng tập trung tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt về tình hình thời tiết; nhất là khi có mưa lớn sẽ cảnh báo để địa phương di dời người dân ở các khu vực đã xác định có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn. Ngoài ra, các huyện cũng bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và xây lắp hệ thống rãnh thoát nước dọc, gia cố các mái taluy, xử lý các cầu, cống, ngầm tràn các tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở.

Trước những nguy cơ sạt lở đất đá tại khu vực miền núi, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, giám sát tình hình thực tế để triển khai phương án di dời dân nhanh và hiệu quả nhất. “Thời tiết ngày càng cực đoan, mưa, bão xảy ra bất thường, vì vậy các huyện phải xác định rõ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa bão là việc làm cấp thiết, quan trọng nhất. Trước mắt, địa phương phải chuẩn bị kỹ lưỡng phương án di dời các hộ dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, không để xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.