Trong 10 năm triển khai (2010-2019), với số tiền gần 230 tỷ đồng chi cho đào tạo nghề LĐNT, Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng được các cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện; hỗ trợ được 50 nghìn lao động được đào tạo nghề. Phần lớn, các học viên sau khi ra trường đều tìm được việc làm ở địa phương hoặc các công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Minh chứng như huyện Bá Thước, trên cơ sở nhu cầu thực tế, huyện đã thực hiện đào tạo một số ngành nghề, như: Kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản; thêu ren đính cườm theo công nghệ Hàn; công nghệ điện kỹ thuật; đan mũ bẹ ngô phục vụ khách du lịch; dệt thổ cẩm. Giai đoạn 2016 - 2019, hơn 20 nghìn lao động trên địa bàn huyện đã được đào tạo nghề, gần 10.000 lao động đã giải quyết việc làm, hơn 2.000 người đi xuất khẩu lao động.
Riêng năm 2019, địa phương đã đào tạo được hơn 2.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động là 252 người. Kết quả này đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 46,09% trong năm 2010 xuống còn 7,26% năm 2019.
Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước cho biết: Trên địa bàn, việc đào tạo nghề thêu ren đính cườm đang mang lại hiệu quả cao nhất. Học viên vừa học, vừa làm sản phẩm sẽ có ngay doanh nghiệp đến lấy. Hai năm trước, có nghề đan mũ bẹ ngô nhưng sau này không phát huy được hiệu quả do thiếu nguyên liệu, nên những năm sau huyện không đưa nghề này vào đào tạo nữa.
Tại huyện vùng biên Mường Lát, một số nghề đào tạo như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; thú y… cũng đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Sau khi tham gia các lớp dạy nghề, nhiều hộ gia đình đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước. Hay nghề phi nông nghiệp như “Kỹ thuật xây dựng” cũng tạo cơ hội cho một số lao động có việc làm ổn định tăng thu nhập.
Tại huyện Thường Xuân, một trong những huyện miền núi nghèo, với tỷ lệ người DTTS chiếm đa số, huyện đã mở các lớp dạy nghề phù hợp với từng xã như nghề mây tre đan, trồng nấm, nuôi ong, dệt thổ cẩm… Nhờ vậy, 90% lao động có việc làm ổn định, học viên chủ yếu tự tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định.
Bà Nguyễn Thị Định, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thường Xuân cho biết: Do thời gian học nghề ngắn chỉ 3 tháng, nên một số nghề phi nông nghiệp như hàn, điện chưa phát huy hết hiệu quả. Các học viên học nghề xong mới chỉ ở mức có thể phục vụ nhu cầu trong gia đình, chưa sống được với nghề. Từ thực tế này, huyện đã chủ động chuyển đổi sang đào tạo các nghề khác phù hợp với thực tế của địa phương hơn, như dệt thổ cẩm, du lịch gia đình.
Cũng theo bà Định, vẫn còn một bộ phận LĐNT không mặn mà với việc học nghề, chưa thấy được lợi ích của học nghề, do đó công tác tuyển sinh các lớp nghề của địa phương gặp khó khăn, khiến cho hiệu quả đào tạo nghề chưa cao. Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi, cần giải pháp khắc phục phù hợp với thực tế hơn.