Thạch Thất, quê của xứ Đoài, sau mười năm (2008-2018) trở thành đơn vị hành chính của Hà Nội, đã có nhiều khởi sắc. Mười năm trước, thu nhập bình quân ở Thạch Thất chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm, nay đã tăng lên 52 triệu đồng/người/năm, cao nhất khu vực nông thôn của Thủ đô; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,18%. Đến nay, 21/22 xã của huyện đã về đích trong xây dựng NTM; Thạch Thất đang phấn đấu trở thành huyện NTM vào cuối năm 2018.
Theo ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất, một trong những tiềm năng, thế mạnh của Thạch Thất là kinh tế làng nghề. Đây là lĩnh vực cần một lực lượng lớn lao động có tay nghề. Toàn huyện hiện có 59 làng nghề với 14.400 hộ sản xuất, thu hút hơn 37.000 lao động nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 44.827 lao động, nâng tỷ lệ lao động được qua đào tạo từ 31,3% năm 2007 lên 59,7% năm 2017; giải quyết việc làm ổn định cho 51.002 lao động, nâng tỷ lệ lao động có việc làm đạt 98% năm 2017; nhiều lao động phù hợp đã có thu nhập cao từ nghề được đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Lan (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) cho biết, sau khi tham gia lớp học nghề mộc dân dụng dành cho lao động nông thôn, tay nghề bà đã vững hơn, thu nhập của bà Lan đã tăng gần gấp đôi. Trước kia bà chỉ làm phôi (sơ chế các đồ thủ công mỹ nghệ) được khoảng 2,5-3 triệu đồng, tiền công/tháng, giờ mỗi tháng thu nhập của bà cũng được 5,5-6 triệu đồng/tháng.
Cũng như bà Lan ở xã Yên Trung (huyện Thạch Thất), hàng nghìn lao động nông thôn ở Hà Nội đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định nhờ được đào tạo nghề theo Đề án 1956. Theo số liệu thống kê từ Sở LĐTB&XH Hà Nội, giai đoạn 2010-2017, toàn Thành phố đã có 172.514 lao động nông thôn được đào tạo nghề; tỷ lệ tìm việc làm sau học nghề đạt trên 80%.
Đặc biệt, một số huyện đã lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp, bền vững có khả năng thu hút nhiều lao động tham gia học nghề, như mô hình dạy nghề may công nghiệp ở Thạch Thất, Đan Phượng, Ba Vì, Mỹ Đức..., tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt khoảng 85%, có nơi đạt 100%. Mô hình dạy nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu ở Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất, Ba Vì..., người lao động sau khi học nghề có kiến thức đã tự sản xuất được nấm bằng cách tận dụng các nguồn rơm, rạ sau thu hoạch, xử lý môi trường. Mô hình chăn nuôi thú y, gia cầm ở Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Sóc Sơn, Phú Xuyên, sau học nghề, người lao động được trang bị kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, chữa một số bệnh cơ bản cho gia súc, gia cầm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống...
Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2020, Hà Nội sẽ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 70 nghìn lao động nông thôn; mục tiêu đặt ra là tối thiểu 80% lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Để đạt được mục tiêu này thì Hà Nội cần có những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đã được chỉ ra. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.
KHÁNH THƯ