Khó khăn về nguồn vốn
Một trong những vấn đề được các địa phương quan tâm nhất, là nguồn vốn phân bổ cho công tác dạy nghề còn chậm, gây khó khăn cho việc tổ chức các lớp học. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Bình Định, năm 2018, kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nguồn địa phương phân bổ về các huyện từ tháng 2; nguồn Trung ương phân bổ về từ tháng 5.
So với những năm trước, nguồn vốn năm nay phân bổ có về sớm hơn nhưng các địa phương đều bày tỏ, để triển khai tốt các lớp nghề, nguồn kinh phí cần được đảm bảo tiến độ, nhất là những nghề đặc thù theo mùa, hay tránh mùa mưa.
Ông Đinh Ngái, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Lớp chăn nuôi trâu bò tổ chức tại xã được nhiều người chờ mong. Nhưng kinh phí phân bổ muộn, nhiều khi xong các thủ tục để mở lớp thì mùa mưa đã bắt đầu. Khi ấy giáo viên phụ trách lớp cũng cực mà bà con cũng gặp nhiều khó khăn”.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thu, Phó trưởng Phòng Tài chính Hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính Bình Định) cho hay: “Về ngân sách địa phương, chúng tôi chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phân bổ từ đầu năm. Năm nay, UBND tỉnh còn cho phép các địa phương được chủ động. Cụ thể, nếu có phát sinh tăng hoặc giảm trong từng lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, UBND các huyện, thị, thành chịu trách nhiệm, tự cân đối, điều chỉnh kinh phí cho phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, chứ không cần phải trình về UBND tỉnh mất nhiều thời gian. Còn về nguồn vốn Trung ương phân bổ, tỉnh không thể chủ động được”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định nêu quan điểm: “Ngay khi có kinh phí từ nguồn của tỉnh, các địa phương cần lập kế hoạch và triển khai; đến khi có nguồn vốn Trung ương phân bổ về thì điều chỉnh hoặc bổ sung, không nên chờ đủ vốn mới lập kế hoạch rồi triển khai”.
Nan giải “đầu ra”
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo nghề ở Bình Định hiện này là vấn đề “đầu ra” cho lao động. Ông Từ Xuân Mười, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, cho biết: Tại địa phương chỉ có một số nghề thu hút được lượng lao động đăng ký học như: nghề may công nghiệp bởi có việc làm từ các cơ sở may gia công; nghề kỹ thuật chế biến món ăn để thành lập các nhóm dịch vụ nấu tiệc; các nghề quản lý dịch hại cây trồng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... nhằm tăng năng suất lao động. Còn các nghề khác như mộc, xây dựng... thì rất khó tìm học viên bởi học rồi cũng không tìm được việc làm.
Tương tự, tại huyện Tây Sơn cũng khó khăn trong việc tuyển sinh cho các lớp dạy nghề. Bởi sau khi học nghề song, nhiều lao động không tìm được việc làm và cũng không có sự hỗ trợ từ các ngành chức năng.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch huyện Tây Sơn thừa nhận: Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của huyện và các hội đoàn thể chưa làm tốt được việc kết nối với doanh nghiệp tạo việc làm sau đào tạo cho người lao động nên ảnh hưởng không hỏ đến việc tuyển sinh trên địa bàn.
Một vấn đề khác là, ngay cả khi người lao động có việc làm rồi, thì nỗi lo vẫn chưa dừng lại. Chẳng hạn như, câu chuyện về việc học nghề trồng rau sạch của bà con DTTS ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh).
Theo ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh: Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với rau ôn đới, huyện đã đầu tư, tập huấn và đào tạo cho bà con xã vùng cao Vĩnh Sơn nghề trồng rau. Sau khi học nghề, bà con đã bắt tay vào trồng rau và tạo ra nguồn sản phẩm tốt. Nhưng chuyện hỗ trợ bà con tiêu thụ được sản phẩm lại rất khó. Chi phí vận chuyển rau từ Vĩnh Sơn về các điểm như siêu thị, chợ quá đắt nên chưa thể nhân rộng mô hình…
Với những khó khăn trên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định cần có những điều chỉnh kịp thời, theo hướng đào tạo sát với nhu cầu việc làm, kết nối việc làm cho lao động sau đào tạo cũng như giúp họ liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm…
ĐẠT THÀNH NHÂN